Mẫu ADN cổ nhất của thực vật lộ diện ở Siberia
![]()
Trầm tích băng hà có thể chứa dữ liệu ADN của toàn bộ hệ sinh thái.
Chúng được lấy lên từ lòng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Siberia, thuộc về ít nhất 19 họ thực vật như cỏ, cây lách và cây bụi..., có niên đại từ 300.000 đến 400.000 năm. Trước đó, thực vật cổ nhất được xác nhận cũng chỉ có tuổi khoảng 20.000 năm.
Cho tới nay, mặc dù giới khoa học đã có bằng chứng về những loài động, thực vật đã sống từ hàng trăm triệu năm trước, nhưng người ta không thể xác định được ADN từ các mẫu vật đó vì chúng hầu như đã bị phân huỷ hoàn toàn.
Nhóm nghiên cứu của Eske Willerslev, một chuyên gia về sinh học phân tử tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), đã tìm đến một nơi mà họ phỏng đoán là có thể có những đoạn ADN chưa thực sự bị gãy nát - một vùng ở đông bắc Siberia. Khi khoan lên các mẫu đất từ độ sâu 2-30 mét, nằm giữa hai con sông Kolyma và Lena, họ đã tìm ra những mảnh ADN của lục lạp thực vật (lục lạp là cơ quan sản sinh năng lượng của tế bào thực vật, nó chứa vật liệu di truyền riêng, không liên quan gì đến ADN ở trong nhân).
![]()
Thông thường, phấn hoa cổ đại vẫn được các nhà khoa học xem là một nguồn gene quan trọng. Tuy nhiên, phấn hoa thường phát tán đi xa nhờ gió, nên không phản ánh nơi sống của loài. Willerslev cho rằng việc nghiên cứu lục lạp sẽ bổ sung cho thông tin thiếu hụt này. Ông và cộng sự đã có được bằng chứng cho thấy, cây lách và cây bụi từng thống trị vùng đông bắc Siberia cho tới khoảng 10.000 năm trước đây.
Cũng tại địa điểm nghiên cứu, các nhà khoa học còn tình cờ phát hiện thấy các mảnh ADN của một số loài động vật ăn cỏ, như voi ma mút, bò rừng bison và ngựa, đã sống ở đây trong thời kỳ băng hà gần đây nhất (khoảng 18.000 năm trước).
Phát hiện này đã mở ra cho các nhà khảo cổ một cửa sổ mới để nhìn lại quá khứ, nhằm tái hiện bức tranh sinh động về thế giới tự nhiên trong thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, do các ADN tìm được đều đã bị đứt vụn thành nhiều mảnh nhỏ, nên cơ hội để khôi phục lại một loài nào đó là rất mong manh.
Các nhà nghiên cứu cũng đã có kế hoạch lập lại thí nghiệm trên ở những vùng đất đóng băng vĩnh cửu khác và trong các hang động. Tiếp đó họ sẽ tới các vùng có môi trường ấm hơn để tìm hiểu liệu có còn ADN cổ đại ở đó.
Đánh dấu