Chào các bạn,

ChuyenHVT.net thành lập 2005 - Nơi lưu trữ rất nhiều kỉ niệm của các thế hệ học sinh trong hơn 15 năm qua. Tuy chúng mình đã dừng hoạt động được nhiều năm rồi. Và hiện nay diễn đàn chỉ đăng nhập và post bài từ các tài khoản cũ (không cho phép các tài khoản mới đăng ký mới hoạc động). Nhưng chúng mình mong ChuyenHVT.net sẽ là nơi lưu giữ một phần kỉ niệm thanh xuân đẹp nhất của các bạn.


M.

Trang 4 của 6 Đầu tiênĐầu tiên 123456 CuốiCuối
Kết quả 46 đến 60 của 79

Chủ đề: Động vật

  1. #46
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Cáy đổi màu vỏ để phòng thân


    Ảnh: ABC Online.

    Những con cáy vỏ xanh nhỏ xíu thay đổi màu sắc để tránh bị những con chim săn mồi nuốt chửng. Từ màu xanh dương, chúng đổi sang màu sẫm hơn.

    Các nhà khoa học từ lâu vẫn thắc mắc về khả năng đổi màu vỏ của con cáy. "Khi bạn bắt chúng, lập tức chúng sẽ chuyển sang màu xám xịt", tiến sĩ Jochen Zeil tại Đại học quốc gia Australia nói.

    Để tìm ra câu trả lời, Zeil và cộng sự đã tìm hiểu loài cáy Uca vomeris sống trên các bãi đất lầy ở bờ biển đông bắc Australia.

    "Ở một chỗ những con cáy này trông rất tối tăm, ở chỗ khác chúng lại sặc sỡ", Zeil nói. "Chúng tôi muốn tìm hiểu vì sao điều này xảy ra".

    Các nhà nghiêm cứu tìm hiểu sự thay đổi của các con cáy ở 3 khu vực khác nhau, nơi chúng có màu xám, sặc sỡ và hỗn hợp. Họ tìm thấy có rất nhiều con chim ăn cáy ở gần khu vực có cáy xám. "Ở nơi mà những con cáy trông sặc sỡ, có ít chim săn mồi hơn", Zeil cho biết.

    Để kiểm chứng, nhóm sắp đặt một cuộc thí nghiệm để xem các con cáy có đổi màu vỏ khi đối mặt với đe doạ.

    Họ cho 2 con cáy sặc sỡ sống cạnh nhau và ngăn cánh bằng một tấm gỗ. Một con có cuộc sống bình thường tiếp diễn. Con kia luôn bị đe doạ bởi sự xuất hiện của một con chim săn mồi, mà thực ra là một miếng bọt biển màu đen. Cua cáy nhìn rất kém, nên sự xuất hiện của một quả bóng đen cũng để khiến chúng tin rằng kẻ săn mồi đang tới.

    Trong vài ngày, con cua bị đe doạ đã chuyển màu vỏ sang màu xám xịt hơn, trong khi con cua còn lại vẫn sặc sỡ như cũ.

    Bước tiếp theo các nhà khoa học sẽ tìm hiểu liệu giữ nguyên màu sắc xám xịt như vậy có ảnh hưởng tới mối quan hệ với môi trường xung quanh của chúng.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/10/3B9EF968/
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  2. #47
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Nghề cho côn trùng hút máu

    Nhìn thấy Svetlana Pavlovna Nhikiforova ngồi sau chiếc bàn của Trạm dịch tễ Kharcov (Ukraina), nhiều người tưởng bà là một nhà nghiên cứu. Trên thực tế, bà như là "thức ăn" để nuôi những con côn trùng hút máu, chính xác là những con ve.

    Suốt 13 năm qua, kể cả ngày lễ ngày nghỉ, bà già hưu trí 67 tuổi đã cho các ký sinh trùng tấn công cơ thể mình. Đại diện duy nhất của nghề này tại Ukraina không phải là một kẻ vô gia cư mà là một phụ nữ có móng tay trang điểm rất cẩn thận, tóc giả rất mốt, đôi môi tô son và mặc áo choàng trắng khá diện.

    Phòng thí nghiệm của Trạm vệ sinh dịch tễ Kharcov nghiên cứu các côn trùng về khả năng truyền bệnh và sức chịu đựng của chúng đối với các loại thuốc. Những năm gần đây, ở Ukraina, số người mắc bệnh lao tăng cao, đi kèm với căn bệnh này thường là những con ve. Chúng thích nghi với các điều kiện sống mới nhanh đến mức dễ dàng tiêu hóa các loại thuốc độc cũ, trong khi trước đó chúng chết ngay khi bị thuốc tấn công.

    Khi thí nghiệm, các con ký sinh trùng được đặt vào một vòng kim loại có thành cao, gắn trên da tay bà Nhikiforova. Giống ve này được nuôi cấy chuyên cho các cuộc thí nghiệm và chỉ có ở Trạm vệ sinh dịch tễ Kharcov. Người "tiền nhiệm" của bà Svetlana từng nuôi dưỡng chúng bằng máu mình trong suốt 20 năm. Sau khi người này nghỉ việc, trạm có nguy cơ bị mất nguyên một dòng côn trùng đặc biệt.

    Cần tìm người nuôi lũ ve chứ không thể cấy chúng sang động vật vì chúng sẽ không thích ứng được. Chỉ cần một người nuôi cố định để chúng quen hơi và cũng vì lũ ve này có thể truyền các bệnh lây qua đường máu.

    Trước khi làm nghề cho côn trùng hút máu, bà Nhikiforova là công nhân trong một nhà máy. Trong cơn ác mộng, bà cũng không thể ngờ rằng sau khi nghỉ hưu, mình lại làm một công việc kỳ dị như vậy. Tuy nhiên, để bổ sung cho khoản lương hưu khiêm tốn, bà đã đến Trạm vệ sinh dịch tễ xin làm thêm và lập tức trở thành của hiếm đối với phòng thí nghiệm đang cần người hy sinh.

    Việc chọn ứng viên cho vị trí công việc khác thường này hoàn toàn không đơn giản. Và bà già hưu trí Nhikiforova là một lựa chọn tuyệt vời vì có cả bằng sơ cấp y khoa, lại hoàn toàn không cảm thấy ghê sợ khi tiếp xúc với ký sinh trùng.

    Nhưng chỉ có mỗi tinh thần hy sinh cho các con bọ ăn thôi thì cũng còn quá ít. Công việc này cần một người có khả năng nuôi ký sinh trùng tất cả các ngày trong năm, kể cả vào dịp năm mới hay sinh nhật. Mặt khác, thức ăn cho lũ ve phải là máu của người khỏe mạnh, không uống thuốc.

    Một lần, bà Nhikiforova bị ốm và nhờ người hàng xóm thay cho mình. Bà đã phải cố gắng lắm mới thuyết phục được Trạm vệ sinh dịch tễ chấp nhận chuyện này, nhưng kết cục suýt trở thành thảm kịch đối với người nuôi mới và với cả ký sinh trùng. Trước đó, người hàng xóm có dùng thuốc, và sau khi tiếp xúc với ký sinh trùng hút máu, cả người bà bị phồng rộp lên, suýt phải đi cấp cứu. Còn đám ký sinh trùng mà bà cho ăn thì nằm ngửa bụng ra hết. Phải vất vả lắm mới hồi sinh được cho chúng.

    Các con côn trùng đỏng đảnh này phải được đảm bảo những điều kiện ấm áp để tồn tại. Chúng sống trong những hộp đặc biệt được giữ ở nhiệt độ cơ thể người, độ ẩm cao. Đôi khi, chúng còn đi "làm khách". Đó là vào các ngày mùa đông, mỗi khi phòng thí nghiệm bị cắt điện (chuyện này xảy ra rất thường xuyên), để lũ ve không bị chết cóng, bà Nhikiforova mang chúng về nhà.

    Do đã nhiều tuổi, bà Nhikiforova muốn nghỉ làm trong năm nay, nhưng bác sĩ trưởng đã thuyết phục bà ở lại vì họ không thể thiếu bà.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/10/3B9EF807/
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  3. #48
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Sao hải cẩu không run khi lặn dưới nước lạnh?


    Hải cẩu. Ảnh: Exzooberance.com.

    Khi một con hải cẩu đi dạo trên băng và một cơn gió lạnh buốt bất thần xuất hiện, nó run rẩy. Nhưng nếu nó lặn sâu dưới dòng nước băng giá thì chuyện ấy sẽ không xảy ra.

    Đây là phát hiện của nhà nghiên cứu Lars Folkow thuộc Trường Đại học Tromso (Na Uy) khi quan sát những con hải cẩu Cystophora cristata ở tình trạng nuôi nhốt.

    12 con hải cẩu đã được huấn luyện đứng yên gần máy quay phim để các nhà nghiên cứu có thể theo dõi hoạt động cơ, nhịp tim và thân nhiệt của chúng. Khi không khí được làm lạnh ở âm 35oC, những con hải cẩu này đã run rẩy để tự làm nóng. Nhưng khi chúng lặn dưới nước thì lại không.

    “Đây là sự thích nghi với tình trạng ngưng thở”, Tiến sĩ Folkow giải thích. Khi ngưng run rẩy, loài hải cẩu đã tự làm lạnh. Thân nhiệt của chúng thấp hơn, lượng oxy tiêu thụ giảm nên làm tăng khả năng ngưng thở. Chúng có thể ngưng thở trong gần 2 tiếng đồng hồ ở dưới nước.

    Theo Tiến sĩ Folkow, ngưng run rẩy là một trong các bí quyết cho phép loài động vật này lặn lâu. Có những biện pháp khác giúp hạ thân nhiệt. Theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ ở não hạ còn 3oC sau 15 phút ở dưới nước, làm giảm đáng kể nhu cầu oxy.

    Ngoài tình trạng tự làm lạnh tổng quát, loài hải cẩu cũng có vẻ chịu được tình trạng thiếu oxy ở mô tốt hơn người. Tiến sĩ Folkow hy vọng việc vén màn bí mật ở loài hải cẩu sẽ cho phép hiểu rõ hơn những tổn thương ở não người khi bị thiếu oxy, như sau một cơn đau tim.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/10/3B9EF8D6/
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  4. #49
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    'Yêu' trong thế giới động vật


    Chim cánh cụt.
    Ảnh: Nationalgeographic.com.

    Thiên nga đen Australia là những kẻ si tình đồng giới nổi tiếng. Khi muốn có con, hai gã tình nhân này tìm một con mái, chung sống tay ba và đến khi con mái sinh nở thì đuổi đi, cướp lấy trứng để tự ấp.

    Chúng ta vẫn cho rằng trong thế giới động vật, con cái và con đực chỉ "gặp nhau" để duy trì nòi giống. Nhưng trên thực tế, xung quanh chuyện yêu của các loài động vật cũng có nhiều điều thú vị.

    'Yêu' bằng mắt

    Đừng thắc mắc tại sao đàn ông thường dán mắt vào những phụ nữ đẹp, đặc biệt là nếu họ ăn mặc "mát mẻ" một chút. Theo một nghiên cứu của ba nhà khoa học ở Đại học Duke, North Carolina, điều đó có thể bắt nguồn từ những tổ tiên xa xôi nhất của chúng ta: loài khỉ.

    Họ nhận thấy khỉ đực sẵn sàng từ bỏ những thứ nó yêu thích nhất như hoa quả hay nước ép rau củ để có thể ngắm nhìn no mắt phần thân sau của khỉ cái. Thí nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần, với nhiều con khỉ đực. Số lượng các món khoái khẩu được mang đến cho chúng cũng tăng dần lên. Nhưng hầu hết những anh chàng si tình đều thà mất ăn mà được ngắm nàng thoải mái còn hơn căng dạ mà "đói" con mắt.

    Ghen tuông

    Riêng về khoản này thì sẻ nhà cái là vô địch. Cô ả sẽ tìm bằng được tổ của con sẻ cái khác đang sống với "chồng" nó, phá phách tan tành và giết hết lũ sẻ con của kẻ tình địch. Nó làm như thế là để sẻ đực quay về và dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc các con giúp "vợ".

    Đồng tính

    Thiên nga đen Australia là những kẻ si tình đồng giới nổi tiếng. Hai gã thiên nga đực rựa gặp nhau, kết thành một cặp rồi đi đánh chiếm một cái tổ của đôi khác để sống là chuyện phổ biến. Kỳ quặc hơn nữa, những cặp đồng tính này nhiều khi cũng tha thiết có con. Khi đó, chúng sẽ đi tìm một con mái, chung sống tay ba cho đến khi con mái sinh nở thì đuổi đi, cướp lấy trứng để tự ấp. Thiên nga non, con của những cặp đồng tính này có nhiều cơ hội sống sót và trưởng thành hơn con của những cặp vợ chồng thiên nga bình thường khác. Vì hai ông bố của chúng có khả năng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và nguồn thức ăn mạnh hơn.

    Đổi 'tình' lấy vật chất

    Con cái của một số loài sẽ không ngần ngại cho con đực "yêu" chỉ để đổi lại một số quyền lợi vật chất mà nó cần. Chim cánh cụt chính là một ví dụ. Vào khoảng tháng 10 hằng năm, hàng triệu con cánh cụt sẽ đổ bộ lên các dải đất đầy băng và sỏi đá ở Nam Cực để chuẩn bị cho mùa sinh sản.

    Việc đầu tiên của những con cánh cụt đã có đôi là làm một cái tổ mới hoặc sửa sang lại cái cũ. Và trong khi các chàng mải miết làm việc thì một số nàng sẽ lượn lờ ở khu vực xung quanh, tìm những kẻ si tình dại dột, "chiều chuộng" chúng để được trả công bằng những viên sỏi quý giá mang về cho "chồng" hoàn thiện nốt cái tổ đang dở dang.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/10/3B9EF82E/
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  5. #50
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Con sâu bướm mỏng nhất thế giới


    Ảnh: ABC Online.

    "Sợi chỉ Fred" đang cạnh tranh một chỗ trong sách Guiness để trở thành con sâu bướm mỏng nhất thế giới. Sinh vật được phát hiện tại New Zealand có độ dày chỉ khoảng 0,9 mm và là ấu trùng của một giống bướm đêm hoàn toàn mới Houdinia flexilissima.

    Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Landcare, nơi phát hiện ra sinh vật trên, cho biết Fred sống trong cây cói Sporadanthus ferrugineus, một loài thực vật đầm lầy.

    Nhà sinh vật học Corinne Watts khi đang nghiên cứu đầm lầy tại Torehape trên đảo Bắc của New Zealand đã phát hiện một lỗ ống hình ngôi sao trong thân cây cói: "Rõ ràng có cái gì đó đã khoét nên lỗ này. Nhưng mỗi lần tôi cắt ra xem thì lại chẳng thấy gì. Khi đó, con sâu bướm quá nhỏ để có thể nhận ra. Chỉ cho đến khi nó lớn lên tôi mới nhìn thấy một sợi chỉ màu cam nhạt".

    Sinh vật mặc dù rất mỏng nhưng lại dài tới vài cm. "Thân cây cói rất nhỏ nên để sống trong đó, con sâu bướm lại dài ra thay vì béo lên", Watts nói.

    Trong vòng 2-3 năm, những con sâu bướm này trải qua các giai đoạn sinh trưởng thông thường: rụng lông, phát triển thành nhộng, biến hình thành con bướm đêm lạ thường nhất. Tất cả đều diễn ra trong thân cây rộng 5 mm.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/10/3B9EF714/
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  6. #51
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    10 câu chuyện động vật năm 2006

    Năm qua, các nhà sinh vật học vui mừng khi phát hiện một con cá heo kỳ lạ có chân, một loài chim mới ở Ấn Độ và tìm ra một kho báu các loài động vật mới ở Indonesia. Nhưng họ cũng cảnh báo con người đang đẩy voi tới nguy cơ tuyệt chủng và có thể tàn phá hệ sinh vật biển vào năm 2048.

    Sau đây là 10 câu chuyện kỳ thú về các loài động vật do National Geographic lựa chọn.


    Con cá mập bò trên đáy biển bằng những chiếc vây của mình là một trong 50 loài mới được phát hiện ở Indonesia.


    Nếu con người không hành động để bảo vệ thế giới đại dương thì các loài cá và thực vật biển sẽ biến mất vào năm 2048.


    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm trị vì của vua Thái Lan, các thợ đánh cá ở miền bắc nước này đã hứa sẽ ngừng săn bắt loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới.


    Một người quan sát chim nghiệp dư đã phát hiện ra một loài chim mới lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ. Đó là một con chim hét có màu sắc sặc sỡ.


    Sức mạnh của mối quan hệ thân thiết kỳ lạ giữa một con hà mã non trẻ với một con rùa già 130 tuổi sẽ được kiểm chứng trong mùa xuân này, khi người ta đưa thêm một con hà mã cái vào sống chung.


    Một con cá heo có 4 vây đã làm các nhà khoa học phỏng đoán rằng loài động vật biển này từng đi trên cạn.


    Các nhà sinh vật học đã tìm thấy xác của những con voi bị sát hại, bằng chứng của việc săn bắn bất hợp pháp tại bìa khu rừng châu Phi.


    Có một sinh vật lạ chưa được xác định đi lang thang trên cánh đồng cỏ ở North Carolina, Mỹ - đó là một sinh vật mới, một con chó hoang hay chỉ là một con cáo bị quái dị?


    Con thỏ to bằng con chó này đã tấn công vườn rau của một nông dân. Các chuyên gia cho rằng đó có thể là một vật nuôi bị sổng chuồng.


    Ở sâu trong rừng trên đảo ở nam Thái Bình Dương, các nhà thám hiểm đã phát hiện ra những loài kangaroo, chim, thú mới chưa từng được biết đến.


    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Kho...07/01/3B9F1D15
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  7. #52
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    10 khả năng kỳ diệu của động vật


    Dơi dùng sóng siêu âm để định hướng trong không gian. Ảnh: Livescience.

    Bạn đúng khi cho rằng con người thông minh. Nhưng bạn có biết rằng chẳng có một giác quan nào của chúng ta có thể sánh với động vật. Chúng có thể nhìn xuyên màn đêm, nghe bằng bọng đái, ngửi bằng lưỡi. Hãy khám phá những câu chuyện lý thú sau.

    1. Định vị bằng sóng siêu âm ở dơi

    Loài dơi tránh chướng ngại vật và bắt côn trùng bằng cách phát ra sóng siêu âm rồi dựa vào những sóng âm dội lại để tránh chướng ngại vật và bắt mồi. Loài cá heo cũng sử dụng phương pháp này, được gọi là "echolocation" để định hướng trong môi trường nước đục.

    2. Cảm nhận xung điện sinh học ở cá mập

    Đừng bao giờ chơi trò trốn tìm với cá mập vì chắc chắn bạn sẽ thua. Cá mập có những tế bào đặc biệt trong não, cho phép chúng nhận biết trường điện từ phát đi từ động vật khác. Ở một số loài cá mập, khả năng này hoàn hảo đến nỗi chúng có thể phát hiện ra những con mồi ẩn nấp dưới cát thông qua những tín hiệu điện yếu sinh ra từ hoạt động co giật cơ của con mồi.

    3. Xác định vị trí dựa vào nhiệt độ ở trăn

    Những cơ quan nhạy cảm với nhiệt độ nằm giữa mắt và lỗ mũi cho phép trăn cảm nhận được thân nhiệt của con mồi. Mỗi bên đầu trăn cũng có một bộ cơ quan như thế nên chúng có thể tính toán chính xác khoảng từ vị trí của chúng tới con mồi mà không cần nhìn. Nhờ vậy mà loài bò sát này có thể ra đòn chính xác tới mức tuyệt đối trong đêm tối.

    4. Chim ruồi nhìn thấy tia cực tím

    Loài chim này có thể "bắt" được những bức xạ điện từ có bước sóng nằm ngoài vùng quang phổ nhìn thấy của mắt người. Nhìn chung, mắt của côn trùng và chim có thể nhìn thấy nhiều màu hơn mắt người. Những kính thiên văn như Hubble mới có khả năng chụp những bức ảnh tạo thành từ tia cực tím. Tuy nhiên, con mắt của chúng ta chỉ có thể xem được những bức ảnh ấy sau khi các chuyên gia kỹ thuật gán cho chúng những màu sắc thông thường.

    5. Mèo nhìn rõ trong đêm

    Phía sau mắt mèo có một màng nhầy (tapetum lucidum) có chức năng như chiếc gương, cho phép chúng nhìn rõ trong màn đêm. Màng này phản chiếu những tia sáng đi qua võng mạc, giúp mắt có cơ hội bắt được những photon ánh sáng thêm một lần nữa. Nhờ có nó mà mèo có thể săn mồi và di chuyển trong môi trường hoàn toàn không có ánh sáng.

    6. Ngửi bằng lưỡi của rắn

    Khi nhìn thấy một con rắn thè chiếc lưỡi hình chạc của nó ra ngoài, chúng ta thường nghĩ ngay tới điềm xấu. Tuy nhiên, đó là cách loài bò sát này đánh hơi môi trường xung quanh. Rắn sử dụng lưỡi để "bắt" những phân tử mùi trong không khí. Sau đó, những phân tử này được đưa vào những hốc nhỏ đặc biệt trong miệng rắn - được gọi là những cơ quan Jacobson. Các hốc phân tích phân tử mùi và chuyển đổi chúng thành những tín hiệu điện và gửi tới não. Căn cứ vào những tín hiệu ấy, não sẽ biết được chướng ngại vật là con mồi hay kẻ thù.

    7. Ngửi mùi "tình yêu" của bướm đêm

    Với loài bướm, cụm từ "tình yêu nằm trong không khí" là một thuật ngữ được hiểu theo nghĩa đen. Loài côn trùng này thường phát tán một số hóa chất đặc biệt, được gọi là pheromone, khi cần tìm bạn tình. Bướm đực có thể ngửi được pheromone của một con bướm cái cách nó tới 10 km. Một số nghiên cứu cho thấy con người cũng có khả năng phát hiện ra pheromone bằng khứu giác.

    8. Định vị bằng ria ở chuột

    Đa số chuột nhắt có thị lực kém, nhưng chúng được tạo hóa đền bù bằng những chiếc ria trên mõm. Chúng sử dụng những sợi ria dài giống như người mù sử dụng gậy. Chỉ cần vẫy nhanh những chiếc ria về phía các vật thể trước mặt, chuột có thể hình thành những bức tranh về môi trường xung quanh trong não.

    9. Nghe bằng bọng đái của cá trống

    Một số loài cá, chẳng hạn như cá trống, có thể "nghe" bằng bàng quang. Bộ phận này có thêm chức năng phát hiện những rung động âm thanh và truyền chúng tới tai trong của cá thông qua một số xương ở tai giữa. Những chiếc lông vô cùng nhạy cảm ở tai trong tiếp nhận rung động âm thanh và chuyển những thông tin đó tới não cá.

    10. Định hướng nhờ từ trường trái đất ở chim di cư

    Nhiều loài chim, đặc biệt là những loài di cư, có thể sử dụng từ trường của trái đất để xác định phương hướng trong những chuyến bay dài. Các nhà khoa học vẫn chưa biết tại sao chúng làm được như vậy, nhưng một nghiên cứu gần đây cho rằng chim có thể "nhìn thấy" màu sắc của những đường từ trường trái đất - giống như khả năng nhìn thấy ánh sáng có bước sóng nhỏ hơn bước sóng tia cực tím của chúng.

    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Kho...07/01/3B9F0EDD
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  8. #53
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Gấu trúc rất khó tính trong ăn uống


    Yang Yang, và bạn đời của nó, luôn khiến các thợ kiếm tre phải bận rộn mỗi ngày. Ảnh: AP.
    Nếu bạn cho rằng đứa con nhỏ của mình khó ăn, thì hãy thử nuôi gấu trúc lớn. Phải có tới 4 người đi kiếm tre trúc làm việc cả ngày tại vườn thú Atlanta, Mỹ, mới thoả mãn được cặp đôi gấu trúc Lun Lun và Yang Yang. Và không phải lúc nào chúng cũng hài lòng.

    Chế độ ăn của những con vật này gồm chủ yếu là tre trúc, nhưng chúng chỉ ăn khoảng 20 trong số 200 loài mọc ở Georgia. Kiểu tre chúng thích thay đổi theo từng thời điểm trong năm. Đôi khi chúng chỉ ăn đúng một loài trong cả tuần, sau đó nhất quyết không chịu ăn kiểu đó nữa. Và cây tre phải luôn tươi non - chúng sẽ ngoảnh mặt đi trước những cây tre già hay lá héo và thân bị bạc màu.

    Vì vậy, vườn thú phải nhờ tới một đội săn lùng tre trúc để đi thu hoạch tại các mảnh vườn địa phương. Cây tre mà họ kiếm về không thể có thuốc trừ sâu hay gần vùng nước bị ô nhiễm. Và quan trọng nhất, nó phải làm các chú gấu ngon miệng.

    Tre mọc tự do và nhanh như cỏ dại ở nhiều nơi trên thế giới. Vườn thú Atlanta hoàn toàn có thể tự trồng loài cây này, nhưng điều này sẽ không thực tế khi khẩu vị của gấu trúc thay đổi liên tục.

    "Chúng có thể ăn cây tre vàng từ vườn của ông Smith nhưng lại không ăn cây này từ vườn của bà Jones", Jan Fortune, Giám đốc phòng dinh dưỡng động vật của vườn thú, cho biết.

    Những con vật màu trắng đen khó tính này có nguồn gốc từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Con cái Lun Lun nặng khoảng 113 kg. Con đực Yang Yang nặng tới 136 kg. Mỗi con ăn khoảng 9-13 kg tre mỗi ngày. Lá và thân cây chiếm tới 95% khẩu phần ăn của chúng. Thỉnh thoảng chúng cũng được chiêu đãi thêm bánh đậu nành và táo.

    Điều đó có nghĩa là những người săn tre phải kiếm về khoảng 181 kg tre mỗi tuần để cung cấp đủ thức ăn cho gấu trúc và một vài con vật khác trong vườn thú như voi, khỉ đột.

    Nhóm tìm thức ăn cho gấu trúc phải làm việc 5 ngày một tuần để thu hoạch tre từ các khu vườn gia đình hay doanh nghiệp ở danh sách 1.500 nhà quyên góp trong vòng 160 km quanh Atlanta. Công việc của họ sẽ nặng hơn rất nhiều trong 9 tháng tới khi gấu con Mei Lan, sinh ngày 6/9, cai sữa mẹ và chuyển sang ăn thực vật.

    Vườn thú chi 2 triệu USD mỗi năm dành riêng cho gấu trúc, trong đó bao gồm phí thuê gấu từ chính phủ Trung Quốc và thuê người kiếm tre. Những cây tre đó phải không có hoá chất, dính phân chim hay chất thải động vật khác. Tre trồng gần đường phố đông đúc cũng không tốt bởi chất thải từ phương tiện giao thông có thể làm nhiễm bẩn cây trồng. Và nhóm săn tre cũng không thể dùng các máy móc bởi dầu hay gas tiết ra có thể gây ngộ độc cho các chú gấu. Máy cưa bằng tay và máy tỉa lá được tra dầu ăn sau khi đã khử trùng hằng ngày.

    Các vườn thú khác ở Mỹ cũng phải tìm tre cho gấu trúc theo nhiều cách khác nhau. Vườn thú Memphis có một nhóm đi kiếm tre trong khu vực. Họ cũng trồng cây này trong trang trại rộng 28.327 m2. Vườn thú San Diego trồng mọi loài tre mà 3 con vật trưởng thành tại đó chuyên ăn. Vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington thì lấy hầu hết số tre từ nhà cung cấp tư nhân ở Maryland, nhưng họ vẫn đang cố gắng trồng một ít trong vườn thú của mình.

    Do loài vật này vô cùng khó tính, hầu hết các vườn thú nhận ra rằng trồng một loài tre duy nhất không thể đáp ứng được nhu cầu. Vườn thú Atlanta có một hồ sơ chuyên lữu giữ những kiểu tre mà gấu trúc ăn mỗi ngày, nhưng bầy thú lại thường xuyên thay đổi ý thích.

    "Chúng ta phải luôn tuỳ cơ ứng biến. May mà chúng ta còn có voi, những gì gấu trúc không thích, thì voi lại thích", Rytis Daujotas, một trong những thợ kiếm tre tại vườn thú Atlanta, nói.

    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Kho...06/12/3B9F1DBF
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  9. #54
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Âm thanh đa dạng của các loài cá


    Ảnh: vassar.

    Càng ngày các nhà khoa học càng phát hiện ra nhiều cơ chế lạ thường của các con cá khi tạo ra những tiếng thì thầm bí ẩn, tiếng gầm gừ hay đập thình thịch để thu hút bạn tình và xua đuổi kẻ thù.

    Một trong những trường hợp kỳ lạ là những con cá ngựa tạo ra tiếng gõ bằng chính đầu của mình. Chúng gõ phần sau của sọ vào cái bờm hình ngôi sao ở phía sau.

    Phát hiện này và những phát hiện khác trong những năm gần đây cho thấy âm thanh của cá không chỉ là những tiếng kêu to kéo dài mà còn là những tiếng thì thầm ngắn ngủi chỉ kéo dài 5-10 phần nghìn giây, nhà nghiên cứu Timothy Tricas tại Đại học Hawaii ở Manoa cho biết.

    Hiện có hơn 25.000 loài cá, nhiều hơn bất cứ động vật có xương sống nào trong lịch sử. "Chúng ta biết đến ít nhất 1.000 loài cá tạo ra âm thanh, bằng vô số nhiều công cụ khác nhau. Trong đó chúng ta mới chỉ tìm hiểu được rất ít", Tricas nói.

    Tricas và cộng sự đã tìm hiểu dòng họ cá bướm, bao gồm 126 loài với màu sắc sặc sỡ và đường nét ấn tượng sống tại các rặng san hô trên thế giới. Một nhóm trong dòng họ gồm 80 loài là những con cá duy nhất được biết đến kết hợp bong bóng - tăng khả năng nghe - với đường song song 2 bên cơ thể - giúp nhận ra sự chuyển động của nước. Điều này giống như ở con người nghe âm thanh thông qua đôi tai nối với một ít sợi tóc.

    Sử dụng những máy camera dưới nước và máy ghi âm tại rặng san hô ở Hawaii, Tricas và cộng sự đã phát hiện cá bướm tạo ra vài kiểu tiếng động chỉ kéo dài 10 đến 150 phần nghìn giây bằng cách đập đuôi, gõ vây, căng vẩy, gầm gừ và nhảy nhót.

    Cá bướm có thể đã kết nối bong bóng với đường gân 2 bên bởi chúng không có một cơ chế nào để tạo ra âm thanh to. Chúng chỉ có thể tạo ra những tín hiệu yếu ớt. "Chúng tôi cũng biết rằng cá bướm bơi rất gần nhau. Do chúng chỉ có thể thầm thì với nhau nên phải bơi gần mới có thể nghe được", Tricas nói.

    Một loài cá khác mà các nhà khoa học đã điều tra là cá ngọc trai. Chúng sống trong các sao biển hay hải sâm. Trong khi một số loài cá giao tiếp bằng cách kéo giật bong bóng lên xuống bằng cơ, thì cá ngọc trai lại chuyển động cơ chậm hơn rất nhiều để tạo ra âm thanh mạnh với tần suất thấp nhằm thông báo sự có mặt của mình, từ sâu trong hang ổ. Đó là một hệ thống cải tiến mà chưa từng ai biết tới.

    Nghiên cứu các loài cá có thể làm hé mở tia sáng về sự tiến hoá của khả năng giao tiếp và nghe, cùng các hành vi liên quan như tìm kiếm bạn đời hay bảo vệ lãnh thổ.

    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Kho...06/12/3B9F1D82
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  10. #55
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Sóc có khả năng tiên đoán


    Sóc đỏ. Ảnh: wildlife.org.

    Bằng cách nào đó, sóc đỏ Bắc Mỹ có thể dự đoán được chu kỳ biến động của thức ăn. Loài động vật này thường đẻ thêm một lứa con vào mùa xuân của những năm bội thu để tận dụng lượng hạt dư thừa, các nhà khoa học khẳng định.

    Kết luận được rút ra từ công trình nghiên cứu kéo dài 16 năm của các nhà khoa học thuộc Đại học Michigan State (Mỹ). Đối tượng tìm hiểu của họ là loài sóc đỏ (Tamiasciurus hudsonicus) trong khu rừng Yukon, Canada.

    Vỏ quýt dày

    Nhóm chuyên gia dùng củ lạc để nhử sóc vào những chiếc bẫy rồi gắn chip điện tử lên cơ thể chúng để theo dõi. Cứ sau một khoảng thời gian nhất định, họ tìm cách bắt lũ sóc và kiểm xem những con cái có thai hay không. Họ cũng ghi lại số lượng nón trên các cây vân sam (thuộc họ thông) trong khu. Hạt trong các nón của cây vân sam là thức ăn chủ yếu của sóc đỏ.

    Số lượng nón mà vân sam sản sinh được trong mùa thu thay đổi từ năm này qua năm khác. Chẳng hạn, một cây chỉ sản sinh 10 nón trong năm nay, nhưng có thể cho ra tới 500 nón vào năm sau.

    "Bằng cách 'đẻ' ít nón vào một số năm, vân sam đẩy những động vật ăn hạt vào tình trạng thiếu thức ăn, gián tiếp loại bỏ bớt kẻ thù", Andrew McAdam, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét.

    Gặp móng tay nhọn


    Nón của cây vân sam. Ảnh: answers.com.

    Sóc đỏ Bắc Mỹ kết đôi vào tháng 1 và sinh con từ tháng 3. Vào những năm cây vân sam cho ra nhiều nón, các nhà nghiên cứu nhận thấy một hiện tượng thú vị: lũ sóc cái sẽ sinh thêm một lứa vào mùa xuân của những năm đó.

    Điều này đồng nghĩa với việc sóc đỏ, bằng cách nào đó, đã phát triển được khả năng đoán trước quy luật sinh sản của cây vân sam.

    "Chúng tôi thường nghĩ rằng động vật ăn hạt, chẳng hạn như sóc đỏ, buộc phải tuân theo trò chơi của thực vật. Đây là bằng chứng đầu tiên về khả năng dự đoán chu kỳ sinh sản của thực vật ở một loài động vật", McAdam phát biểu.

    Lượng hạt dư thừa trong mùa thu là nguồn thức ăn quan trọng đối với lũ sóc con trong những tháng đầu tiên của cuộc đời - khoảng thời gian chúng rất dễ bị tổn thương.

    Hiện các chuyên gia vẫn chưa rõ tại sao sóc có thể dự đoán được rằng số lượng nón của cây vân sam sẽ giảm trong một năm nhất định. McAdam cho rằng loài động vật này biết cách xác định nồng độ một số hoóc môn nhất định trong chồi nón trên cây vân sam. Cũng có thể chúng biết cách rút kinh nghiệm qua những lần quan sát. Khi nhìn thấy nhiều chồi nón trên cây vân sam vào mùa xuân, lũ sóc biết rằng năm đó sẽ có nhiều thức ăn.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/12/3B9F1C4D
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  11. #56
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Vượn 'hát' để xua đuổi kẻ thù


    Một con vượn tay trắng màu đen. Ảnh: hasekamp.com

    Khi vượn tay trắng phát hiện ra một con báo đang ẩn nấp gần chỗ ở, thay vì bí mật theo dõi, loài động vật linh trưởng này sẽ lặng lẽ tới gần kẻ đáng nghi và hét lên một tràng dài.

    Những âm thanh mà động vật tạo ra thường được cho là để biểu hiện những tâm trạng cơ bản của chúng như buồn, vui, cáu, sợ hãi. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy động vật dùng tiếng kêu để thông báo về những tình huống đặc biệt cho đồng loại.

    Chẳng hạn, khỉ trán trắng (Vervet) phát ra một loại âm thanh khi chúng nhìn thấy rắn để báo hiệu cho đồng loại nhìn xuống đất. Khi gặp đại bàng, chúng kêu một kiểu khác, khiến những con khác phải nhìn lên trời.

    Cho đến nay, các nhà khoa học có rất ít bằng chứng về mức độ giao tiếp cao cấp kiểu như vậy ở động vật linh trưởng trong tự nhiên. Người ta từng chứng kiến cảnh vượn tay trắng cất lên những "trường khúc" to, có nhịp điệu vào mỗi buổi sáng. Chúng thường cặp đôi với nhay để tạo thành một dàn đồng ca. Những bài hát của chúng có thể vang xa hàng rặm trong rừng rậm.

    Nhà linh trưởng học Esther Clarke cùng cộng sự tại Đại học St. Andrews (Anh) đã theo dõi loài vượn tay trắng ở công viên quốc gia Khao Yai của Thái Lan. Để xem vượn phản ứng thế nào khi nhìn thấy những con thú săn mồi, các nhà khoa học dùng hình nộm những con báo, sư tử, chó hoang và rắn để thử nghiệm.

    Trong phần lớn cuộc đời, vượn tay trắng sống ở trên những cành cây cách mặt đất từ 50 tới 300 m. Nhưng khi phát hiện ra những kẻ săn mồi, chúng thường leo xuống những cành ở độ cao từ 5 tới 10 m và la hét.

    "Bạn có thể nghĩ rằng vượn sẽ chạy trốn những con săn mồi, nhưng trên thực tế chúng không làm vậy. Cách giải quyết tình thế của vượn tay trắng như để báo với kẻ thù rằng chúng đã bị phát hiện và việc rình rập sẽ chẳng mang lại kết quả gì", Clarke phát biểu.

    Một điều lý thú nữa là, mặc dù vượn tay trắng sử dụng những cung bậc giống nhau trong các "bài hát", song thứ tự sắp xếp các cung bậc ấy khi chúng hét trước những con thú săn mồi hoàn toàn khác với thứ tự sắp xếp khi chúng hát với nhau, đặc biệt là 10 cung bậc đầu tiên. Đây là lần đầu tiên kiểu giao tiếp như thế được phát hiện ở linh trưởng. Phát hiện có thể giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ thêm quá trình tiến hóa của ngôn ngữ loài người.

    "Có một số lý do để tin rằng ngôn ngữ của con người có nguồn gốc từ động vật linh trưởng. Vì thế chúng tôi quan tâm tới những hệ thống ngôn ngữ giao tiếp của linh trưởng để tìm hiểu xem loài người giống và khác linh trưởng ở những kỹ năng giao tiếp nào", Clarke nói.

    Các nhà nghiên cứu cho rằng vượn hát những bài hát khác nhau tương ứng với mỗi loại thú săn mồi. Tuy nhiên, họ cho rằng cần phải tìm hiểu thêm để xác nhận điều này.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/12/3B9F1C23
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  12. #57
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Phát hiện vi khuẩn siêu nhỏ

    Các nhà khoa học của Đại học California (Mỹ) vừa phát hiện loài vi khuẩn được cho là hình thái tế bào sống nhỏ nhất từng được biết đến. Chúng hiện diện trong một môi trường được đánh giá là "không thể tồn tại sự sống" - khu mỏ hoang thuộc quận Shasta.

    Đây là loại vi khuẩn được coi là hoàn toàn mới với kích cỡ khoảng 200 nanometers (2.10-7m). Bước đầu, vi khuẩn này được xác định là hình thái tế bào sống nhỏ nhất được phát hiện cho đến nay. Các nhà khoa học từng cho rằng không thể tồn tại vi khuẩn có kích cỡ nhỏ như thế này vì chúng không thể tự sinh sản. Trung bình các loại vi khuẩn có kích cỡ gấp 5 lần loài mới phát hiện.

    Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện mới này có thể giúp phỏng đoán về sự tồn tại của những vi khuẩn kỳ lạ nằm sâu hàng dặm trong lòng đất, tạo thành một sinh quyển ngầm còn đa dạng hơn thế giới sinh vật trên bề mặt trái đất.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/12/3B9F1BA5/
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  13. #58
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Gấu trúc sinh đôi ở Nhật Bản


    Ảnh: AP.

    Một con gấu trúc lớn Trung Quốc đã sinh đôi tại vườn thú ở Nhật Bản, nâng tổng số gấu trúc được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo trong năm nay lên con số kỷ lục là 30.

    Những chú gấu trúc con được sinh vào ngày 23/12 tại Adventure World ở Wakayama, cách Tokyo 453 km về phía tây nam. Cả "mẹ và bé" đều khoẻ mạnh, mặc dù một trong 2 gấu con bị sinh non chỉ nặng khoảng 84 gram.

    Gấu mẹ Mei Mei 12 tuổi và bạn đời Eimei 14 tuổi đều được Trung Quốc cho mượn. Việc sinh con vào mùa đông là vô cùng hiếm hoi đối với gấu trúc trong chương trình sinh sản nuôi nhốt. Giới tính của những con non vẫn chưa được công bố.

    Gấu trúc lớn là một trong những loài vật hiếm hoi nhất trên thế giới với khoảng 1.590 con sống trong tự nhiên tại Trung Quốc, chủ yếu là ở Tứ Xuyên và miền đông Thiển Tây. Khoảng 180 con khác được sinh ra trong tình trạng nuôi nhốt.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/12/3B9F1B28
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  14. #59
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Tìm thấy 2 loài thằn lằn mới ở Việt Nam


    Thòi lòi đã có tên khoa học là Cyrtodactylus nigriocularis.
    Ảnh: Tuổi Trẻ.

    Các chuyên gia sinh học vừa phát hiện vùng núi Bà Đen, Tây Ninh hai loài thằn lằn chưa từng được tìm thấy ở đâu trên thế giới. Chúng đều thuộc họ tắc kè (Gekkonidae), giống Cyrtodactylus.

    Người tìm thấy hai loài thằn lằn trên là ông Nguyễn Ngọc, Viện Sinh học nhiệt đới TP HCM. Ông đã cùng hai chuyên gia bò sát - lưỡng cư ở Viện Động vật St. Petersburg (Nga) mô tả và đặt tên cho chúng: Loài Cyrtodactylus nigriocularis có tên địa phương là thòi lòi và loài Cyrtodactylus badenensis có tên là thằn lằn vạch. Cả hai đều sống ở hang đá hoặc ở các vách núi ở độ cao 100-500 m.


    Thằn lằn vạch từ nay mang tên khoa học là Cyrtodactylus badenensis.
    Ảnh: Tuổi Trẻ.

    Thằn lằn vạch có những vạch trắng ở lưng và đuôi, đầu vàng nâu và sống ở vách đá. Thòi lòi có mắt to và màu đen. So với thằn lằn vạch, thòi lòi có kích thước lớn hơn và khó tìm thấy hơn do chúng thường sống ẩn sâu trong hang đá. Bình thường thân thòi lòi có màu nâu, tuy nhiên màu sắc của thân cũng có thể đổi tùy ánh sáng và điều kiện sống.

    Phát hiện trên đã được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành bò sát - lưỡng cư của Nga (Russian Journal of Herpetology). Theo khẳng định của các chuyên gia, hai loài thằn lằn này hoàn toàn mới và trước đó chưa tìm thấy bất kỳ ở nơi nào khác. Phát hiện này đã cho thấy núi Bà Đen rất độc đáo không chỉ về văn hóa - lịch sử mà còn về đa dạng sinh học, cần được bảo tồn.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/12/3B9F1AD5
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

  15. #60
    Thành viên cống hiến thienthanaoden's Avatar
    Ngày tham gia
    27-04-2009
    Tuổi
    35
    Bài viết
    1,567
    Cảm ơn
    1
    Đã được cảm ơn 19 lần ở 8 bài viết

    Mặc định

    Động vật lưỡng cư có thể đánh hơi dưới nước


    Chuột mũi hình sao. Ảnh: discoverlife.org.

    Người ta luôn tin rằng động vật lưỡng cư có vú không thể ngửi được khi chúng lặn xuống nước. Nhưng một nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng chuột mũi sao ở Bắc Mỹ có khả năng đánh hơi tìm mồi dưới nước bằng những bóng khí nhả ra từ miệng.

    "Đối với tôi, phát hiện này là cực kỳ bất ngờ, bởi từ trước tới nay ai cũng nghĩ rằng động vật có vú không thể ngửi dưới nước. Khi động vật có vú chuyển sang sống ở môi trường nước, thính giác của chúng thường thoái hóa. Những động vật lưỡng cư - như cá heo và cá voi - đã mất đi khả năng ngửi", Kenneth Catania, giáo sư sinh học tại Đại học Vanderbilt University, thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ, phát biểu.

    Catania bắt đầu theo dõi loài chuột chũi mũi hình sao (tên khoa học là Condylura cristata) sau khi ông nhìn thấy một con thổi rất nhiều bóng không khí trong lúc bơi. Ông và cộng sự chọn 5 con chuột mũi sao, cho chúng vào lồng kính đựng nước. Sau đó, họ đặt một số sâu đất, cá nhỏ, mấy mẩu sáp ong và silicon dưới đáy lồng. Các nhà khoa học đo lượng không khí mà chuột hít vào và thở ra nhờ một camera tốc độ cao gắn ở bên dưới lồng kính.

    Điều đáng chú ý đầu tiên là các con chuột nhả bóng khí ra ngoài lỗ mũi và nuốt chúng ngay sau đó. "Chuột không nuốt được hết bóng khí mà chúng nhả ra, nhưng phần lớn không khí đã quay trở lại lỗ mũi của chúng", Catania nói.

    Những bóng khí của chuột mũi sao được nhả ra và hít vào với tốc độ khá nhanh - khoảng 10 lần trong một giây. Điều này nghĩa là tốc độ hít thở của chuột mũi sao chẳng kém gì chuột đồng hay một số động vật có vú khác.

    "Cách đánh hơi của chuột đồng khác hẳn chúng ta. Chúng nhả các bóng khí ra rồi hít vào giống như chuột mũi sao, nhưng ở trên cạn, chứ không phải dưới nước", Catania cho biết.

    Theo Catania, khi chuột mũi sao tiến tới gần một mục tiêu, chúng liền há miệng thổi bóng khí về phía nó rồi dùng hai lỗ mũi hít lại ngay lập tức.

    "Do những tế bào thần kinh khứu giác của chuột mũi sao được bao phủ bởi màng nhầy nên chúng có thể ngửi được mùi của những chất hòa tan. Khi những bóng khí chạm vào mục tiêu, rất có thể những phân tử có mùi từ đó đã theo không khí vào mũi khi chúng hít các bóng khí", Catania giải thích.


    Mũi của chuột mũi hình sao có 22 xúc tu cực kỳ nhạy cảm. Ảnh: earthtimes.org.

    Nhưng việc chuột mũi sao phát hiện ra những phân tử mùi dưới nước không có nghĩa là chúng đã phát hiện ra những phân tử đó. Loài động vật lưỡng cư này có một vũ khí lợi hại: chiếc mũi hình sao được cấu thành bởi 22 xúc tu cực kỳ nhạy cảm và linh hoạt. Mỗi khi chúng đánh hơi một vật, chúng cũng chạm vào bề mặt vật đó bằng các xúc tu.

    Để làm rõ vấn đề, Catania phủ lên trên các "mồi" một tấm lưới sắt để ngăn không cho chuột mũi sao chạm mũi vào các mục tiêu. Những mắt lưới quá nhỏ đối với các xúc tu nhưng đủ lớn để các bóng khí lọt qua.

    Kết quả cho thấy lũ chuột có thể lần theo dấu vết của các con mồi bằng cách nhả bóng khí rồi hít lại. Ở lần thử đầu tiên, chúng tìm thấy vị trí mục tiêu với độ chính xác từ 75% tới 100%. Sau đó, các chuyên gia thay một tấm lưới có mắt nhỏ hơn, nghĩa là sẽ có ít bóng khí đi qua lưới hơn. Quả nhiên tỷ lệ thành công của những con vật giảm xuống - chỉ còn chưa tới 50%.

    Để tìm hiểu xem liệu khả năng đánh hơi dưới nước có tồn tại ở các loài lưỡng cư khác hay không, Catania bắt một số con chuột chù nước rồi tiến hành thử nghiệm tương tự. Ông nhận thấy chúng cũng có hành vi đánh hơi và lần theo dấu vết của con mồi dưới nước.

    "Bây giờ thì chúng ta cần tìm hiểu xem còn những động vật lưỡng cư nào có khả năng ấy. Liệu những loài lưỡng cư to lớn như hải cẩu và rái cá có đánh hơi được ở dưới nước không, hay chỉ có những loài nhỏ mới làm được việc ấy?", Catania phát biểu.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2006/12/3B9F19B3/
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

Trang 4 của 6 Đầu tiênĐầu tiên 123456 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 4 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 4 khách)

Các Chủ đề tương tự

  1. Lễ hội Dương vật ở Nhật Bản
    Bởi loveactually trong diễn đàn Giáo dục giới tính.
    Trả lời: 33
    Bài viết cuối: 28-09-2009, 09:30 PM
  2. THý sInh dỰ thy HOa Hậu----vÔ tình lộ "Nội Y"
    Bởi mjlk_nO.teAr trong diễn đàn Teen....tin....
    Trả lời: 26
    Bài viết cuối: 16-07-2008, 07:18 PM
  3. Tom ang Jerry<==năm chuột xem chuột quậy
    Bởi Mr.Dancer trong diễn đàn Vui cười - Giải trí
    Trả lời: 14
    Bài viết cuối: 24-02-2008, 09:01 PM
  4. Tập một !!!!!
    Bởi nhocbuong93 trong diễn đàn Truyện chữ
    Trả lời: 19
    Bài viết cuối: 03-02-2008, 12:06 AM
  5. Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 16-07-2007, 12:49 PM

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •