https://www.youtube.com/watch?v=eXupJvK7D_k
Như tôi đã từng nói ở một post nào đó, tôi sẽ hoàn toàn quên đi cái ngày mà tôi đã bắt đầu viết ở đây. Mặc dù những khi bị overstanding trí óc tôi tạo ra một phản ứng tự vệ bằng việc xuất hiện những giấc mơ có mặt cậu - người đầu tiên cho tôi cảm giác an toàn trên thế giới này. Đó luôn là giấc mơ cuối trong chu trình giấc ngủ và tôi sẽ đột ngột mở mắt, hiểu rõ rằng giấc mơ đó chỉ là một phản ứng của cơ thể chống lại những căng thẳng mà nó đang phải chịu đựng. Đó chỉ đơn giản là một hiện tượng sinh học bình thường, không có ý nghĩa gì cả. Vậy mà những năm 2008, 2009 tôi lại nghĩ đó là tín hiệu của vũ trụ.
Chào mừng đến với những câu chuyện dành cho tôi thì tương lai. Hôm nay tôi sẽ nói câu chuyện về áp lực.
Tôi bắt đầu cảm nhận được áp lực là khi học lớp 7, đó là một buổi tối khi những tiếng tranh cãi ầm ĩ trong không khí nồng mùi rượu. Và có thể đó chính là khoảnh khắc mỗi người nhận ra m bắt đầu biết suy nghĩ. Sau đó, áp lực đến với tôi là những lo lắng về việc học, việc hoàn thành các công việc nhà đúng ý người khác, là việc gia cảnh mình không khá giả gì, việc không nên có bạn bè đến nhà mình chơi.
Khi học cấp 3, áp lực tiếp tục liên quan đến việc học hành và thi cử. Việc đỗ hay không đỗ đại học như một cục đá treo lơ lửng hàng ngày trên đầu. Và vẫn như vậy, chẳng có bạn bè nào đến chơi nhà tôi cả, vì tôi không muốn như thế.
Khi tôi phải ở nhà một năm ôn thi lại (chính xác là khoảng 6 tháng) là một năm đen tối nhất, nhưng đổi lại tôi thu được nhiều thứ, tôi đã hiểu rõ bản thân nhất sau 17 năm.
Khi học đại học, vẫn chỉ là áp lực học tập và điểm số. Việc đi làm thêm chỉ giúp tôi mua được những thứ tôi muốn mà không phải xin thêm tiền từ mẹ. Tôi vẫn không hiểu gì về áp lực của đồng tiền (một điều mà học sinh tôi vừa đến chơi dịp tết cũng nói y như vậy)
Năm đầu đi làm, tôi đã được biết về áp lực đồng tiền, hóa ra đó là cảm giác trói buộc, bất lực, bực bội, chán nản như vậy. Hai năm, tôi đã dùng chính xác sức trâu một cách đen đúng nghĩa để đi dạy. Ngày bước chân ra khỏi nhà đi HN học cao học, mẹ đưa cho tôi 3 triệu và tôi tự hiểu, đó là số tiền tôi sẽ sống đến khi tôi kiếm được những đồng tiền mới. Nhờ nhà nước, nhờ bạn bè tôi có vài mối đi gia sư và đi làm thêm dịch thuật nên đủ sống tằn tiện và dư ra một chút để dành đóng học phí.
Khi tốt nghiệp cao học, tôi xác định không thể ở lại HN. Tôi quay về và áp lực kiếm tiền tiếp tục xuất hiện, tôi chấp nhận dạy các lớp nhỏ lẻ, dạy miễn phí cho hs. Khi bắt đầu vào guồng, cơ hội mở ra cho tôi, thì tôi bị bệnh.
Và đến giờ áp lực về bệnh tật vẫn tiếp tục đeo đuổi tôi, suốt 12 năm. Có những lúc tôi phải ngừng dạy, tôi phải đi nhập viện ở HN hai lần, thuốc uống 5-6 năm chưa dừng. Và khi phát hiện ra một bệnh tật mới, tôi muốn gục ngã. Tôi luôn tự hỏi vì sao tôi lại gặp phải vấn đề như vậy. Nhưng tôi chẳng thể tìm được câu trả lời. Bản chất cơ địa đã yếu sẵn từ trước, lịch làm việc khác người, không có thời gian đi thể dục, chế độ ăn uống. Có thể tất cả đó là câu trả lời. Nhưng rồi tôi thấy vua Charles nước Anh bị ung thư và tôi nghĩ, có trời biết được. Hãy chấp nhận đó như một thực tế như những thực tế khác. Có quá nhiều thứ mà con người không thể hiểu được. Mỗi cơ thể lại là một trường hợp riêng có một lịch sử và diễn tiến khác nhau. Tôi đã nhờ hs kiếm cho hai quyển sinh lí học giải phẫu để đọc nhưng rồi tôi lại nghĩ tôi sẽ chỉ có thể hiểu ở mức độ cơ bản nhất của vấn đề. Xử lí vấn đề lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Và giờ tôi nghĩ mình đang ở mức độ cao nhất từ trước đến giờ của áp lực, áp lực từ mọi phía bủa vây. Tôi có thể nghe lời phàn nàn, than vãn hàng ngày từ người khác còn tôi thì chẳng thể nói gì. Tôi cố tìm kiếm những thứ xoa dịu trí óc căng thẳng của tôi, hoặc khi cảm thấy quá sức chịu đựng tôi nhắc nhủ mình hãy đi ngủ. Áp lực từ công việc - tôi đã quen dần, áp lực từ việc kiếm tiền - nếu tôi còn sống chắc vẫn kham được, áp lực từ bệnh tật - tôi vẫn đang giải quyết, áp lực từ những người xung quanh, về việc họ chưa ổn - tôi chẳng thể làm gì, áp lực từ những lo lắng cho tương lai...
Tôi chắc chắn rằng mỗi người đều có những lo lắng, áp lực dù họ ở trong hoàn cảnh có gia đình hay độc thân. Thứ cứu rỗi chúng ta là những gì tốt đẹp đã xảy ra trong quá khứ hoặc đang sở hữu ở hiện tại. Và tôi hiểu rất rõ khái niệm thời gian. Tôi muốn tất cả thời gian của tôi phục vụ cho mong muốn của tôi, tôi chấp nhận mất thời gian để đổi lại tiền bạc để làm những việc cần dùng đến tiền, tôi muốn dành thời gian với gia đình vì nó sẽ không ở cùng tôi đến cuối cuộc đời tôi. Cảm giác mất mát như chặt tay, chặt chân đó sẽ không bao giờ quen nổi, việc cố gắng vượt qua sẽ càng ngày càng khó khăn hơn.
Và có những lúc tôi để nước mắt rơi trong im lặng vài phút, tôi chấp nhận để các phản ứng sinh học xảy ra để cho những áp lực tâm lí được giải tỏa, dù sau đó luôn là cảm giác vô cảm. Tôi chẳng thể bám víu vào những kí ức tốt đẹp khi nhỏ để ôm ấp cho cả cuộc đời, tôi cũng không có ý định đi học những khóa học chữa lành đang hot trend trên mạng, tôi chỉ nhìn vào cuộc đời nhỏ bé của mình, một cuộc đời vô định không mong đợi nhiều. Tôi chỉ băn khoăn về cảm giác lúc cuối cùng, liệu những cố gắng của mình suốt từng ấy năm qua có là vô ích?
https://www.youtube.com/watch?v=sMseGNG54sw
Đánh dấu