6.3 HOÀN TẤT BÀI HÁT
Khi bạn sáng tác từ một giòng hòa âm, thường bản nhạc sẽ rất “tròn chịa”, tức đồng nhất, có bố cục mô thức rõ ràng, có khởi đầu và kết thúc. Cho nên bạn sẽ không cần làm cái công việc “dọn dẹp cho ngăn nắp” như khi bạn sáng tác từ thơ hay từ một âm điệu. Trái lại, điều mà bạn cần xem lại ở đây là lời ca. Những điều bạn cần để ý là:
lời ca có dễ hát, hát nghe có đúng giọng tiếng Việt hay không?
lời ca có tự nhiên, không gò bó, không dùng chữ vô nghĩa?
lời ca có diễn tả được tình cảm bài hát hay không?
Nếu được như vậy thì bài hát bạn vừa sáng tác đầy đủ cả trên phương diện nhạc lẫn lời.
6.4 MỘT SỐ SÁNG TÁC DỰA TRÊN HÒA ÂM
Một lần nữa, để đơn cử ví dụ, tôi lại phải đem thân mình ra mà “làm trò” vậy. Lý do là vì chỉ có người viết ca khúc mới biết được ca khúc đó ra đời trong hoàn cảnh nào mà thôi. Khi đưa ra những điều sau đây, tôi không có ý muốn bạn dùng những bài hát này làm mẫu, mà chỉ mong bạn cảm nhận phần nào tiến trình đặt nhạc mà tôi đã trình bày ở trên.
“Chợt Gió Chợt Mưa”. Ðiệp khúc bản này hoàn toàn dựa trên chuỗi hợp âm
G – Gmaj7 – G7 – C – Am – Am7 – Adim7 – D7
G – Gmaj7 – G7 – C – G – D7 – G – G
Bạn cũng có thể để ý chuỗi hợp âm chứa đựng một giòng nhạc nội tại như sau (trong dấu ngoặc). Chính giòng nhạc nội tại này, đi xuống từng 1 hay 2 bán âm một, là cái chất keo nối những hợp âm lại với nhau như sợi giây trong chuỗi hạt vậy.
G (nốt G) – Gmaj7 (nốt F#) – G7 (nốt F) – C (nốt E) – Am (nốt A) – Am7 (nốt G) – Adim (nốt F# - nốt D#), D7 (nốt D - nốt C) – G (nốt B)
Có chuỗi hợp âm rồi, tôi mới đặt âm điệu dựa trên giòng hòa âm đó, và cuối cùng là lời ca (cảm thơ Lý Hoài Xuân).
“Bài Ca Trìu Mến”. Bài này dưa trên chuỗi hợp âm (giòng nhạc nội tại ghi trong dấu ngoặc, cũng giảm dần từng 1 hay 2 bán âm một)
C (nốt C) – Gm (nốt Bb) – F (nốt A) – Fm (nốt Ab) – C (nốt G) – G7 (nốt F) – C (nốt E) – C (nốt E)
Có chuỗi hợp âm rồi, tôi đặt lời ca cho câu đầu “Tôi hát cho em nghe những lời ca trìu mến, Giờ rạng đông gần đến thật gần em có nghe”. Dựa trên câu này, Nam Dao viết thành bài thơ, rồi tôi phổ bài thơ để hoàn tất bản nhạc.
“Bóng Quê Hương”. Bài này khởi đầu trên dương cầm (piano) bằng chuỗi hợp âm
(E )– A – A – G#m – C#m – F#m – B7 – E – E7
A – A – G#m – C#m – F#m – B7 – E – E
Ðây là một chuỗi hợp âm rất được ưa chuộng trong nhiều loại nhạc, có tên là diatonic progression. Căn bản là chuỗi III – VI – II – V – I (mời bạn tham khảo bài “Cách chọn hợp âm...” và các bài khác trong phần “Tập đánh đàn guitar” để hiểu rõ cách ghi này), từ hợp âm trước chuyển qua hợp âm sau bằng cách cộng thêm 3, hoặc nói một cách khác, các hợp âm nhảy lên từng quãng 4 một.
Một điều đáng chú ý nữa, diêp khúc bản này dựa trên sự thay đổi âm giai từ E trưởng qua E thứ. Từ giòng hòa âm đó, âm điệu mới thành hình và chót hết là lời ca.
Trong tất cả các bản được sáng tác dựa trên hòa âm như trên, hòa âm là tinh túy của bản nhạc. Người chơi nhạc cần theo đúng cách hòa âm đã ghi thì mới diễn tả dược bài hát. Ngược lại, đối với một ca khúc sáng tác dựa trên âm điệu, phần hòa âm không phải là chính, cho nên bài hát chỉ mất mát đi chút đỉnh nếu ta chẳng may không giữ được đúng hoà âm đã ghi.
Đánh dấu