Chào các bạn,

ChuyenHVT.net thành lập 2005 - Nơi lưu trữ rất nhiều kỉ niệm của các thế hệ học sinh trong hơn 15 năm qua. Tuy chúng mình đã dừng hoạt động được nhiều năm rồi. Và hiện nay diễn đàn chỉ đăng nhập và post bài từ các tài khoản cũ (không cho phép các tài khoản mới đăng ký mới hoạc động). Nhưng chúng mình mong ChuyenHVT.net sẽ là nơi lưu giữ một phần kỉ niệm thanh xuân đẹp nhất của các bạn.


M.

Kết quả 1 đến 2 của 2

Chủ đề: Bản chất của chiến tranh

  1. #1
    Thành viên gắn bó nobita85uct's Avatar
    Ngày tham gia
    17-11-2007
    Tuổi
    39
    Bài viết
    5,380
    Cảm ơn
    1,273
    Đã được cảm ơn 1,174 lần ở 563 bài viết

    Mặc định Bản chất của chiến tranh

    Bản chất của chiến tranh là bi kịch
    (Qua các tác phẩm viết về chiến tranh)

    Hoàng Tuyết Nhung

    Chiến tranh, từ trong bản chất của nó là bi kịch, bi kịch từ những ngày đầu tiên cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Dù là chiến tranh phi nghĩa hay chính nghĩa. Tấm huân chương nào bao giờ cũng có mặt trái của nó. Và vết thương chiến tranh thì bao giờ cũng nhức nhối.

    Các nhà văn bước ra khỏi thế chiến thứ nhất với sự sụp đổ lý tưởng và một trái tim tan nát. Cả một thế hệ bị chiến tranh giày vò tơi tả - thế hệ vứt đi. Hemingway là nhà văn tiêu biểu cho thế hệ mình, ông chua chát: “Tôi chưa biết đích xác đã có nhà văn Mĩ nào dám sang Tây Ban Nha để tìm chân lí hay chưa. Nhưng tôi biết đã có nhiều nhà văn Anh sang Tây Ban Nha. Nhiều nhà văn Đức, Pháp, Hà Lan ra tiền tuyến tìm chân lí, có khi họ chỉ tìm thấy cái chết thay vì chân lí. Nhưng nếu 12 người ra đi, chỉ có hai trở về, thì lúc đó cái họ mang về sẽ là chân lí thực sự”…

    Khoảng nửa thế kỷ sau, Việt Nam gánh trên đôi vai mình cuộc chiến tranh thần thánh với Mỹ. Chính nghĩa thuộc về chúng ta nhưng trong và sau cuộc chiến ấy, chúng ta cũng bị chiến tranh giày vò tơi tả. Những người may mắn sống sót bước ra khỏi cuộc chiến phải chiến đấu với cuộc chiến ấy một lần nữa và nó dai dẳng cho tới tận lúc chết. Vết thương chiến tranh, ở một góc độ nào đó là không thể hàn gắn nổi.

    Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro của Hemingway và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cho ta thấy con người đã bị chiến tranh giày vò, hủy hoại như thế nào. Đồng thời các nhà văn cũng cho ta thấy người ta có đứng vững được hay không là do sự lựa chọn, ứng xử của mình với hoàn cảnh. Trong chiến tranh chính nghĩa, mọi thứ có thể bị hủy diệt nhưng tình người là vĩnh cửu.

    Chất liệu làm nên Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro và Nỗi buồn chiếnh tranh đều là ký ức. Harry và Kiên đi tìm thời gian đã mất và khi thời gian tìm thấy lại, họ ngộ được chân lý của đời sống, ngộ được thiên chức của mình đối với cuộc đời. Nhưng cuốn tiểu thuyết của cuộc đời Kiên thì mãi mãi dang dở như cái hiện tồn chẳng bao giờ hoàn kết còn Harry, văn nghiệp của anh chỉ còn là mơ ước bởi khi ấy anh đã kề bên cái chết.

    Truyện ngắn của Hemingway và tiểu thuyết của Bảo Ninh được xây dựng trên dòng hồi tưởng của nhân vật. Khác với truyện kể truyền thống, các lớp truyện kể trong hai tác phẩm này không có liên hệ trực tiếp với nhau, cái này không phải là kết quả hay nguyên nhân của cái kia mà mỗi lớp là một mảnh vỡ của đời sống, được đặt rời rạc và rối bời, người đọc phải tự lắp ráp lại để có cái nhìn đầy đủ nhất có thể về nhân vật và thời đại. Nhà văn không xây dựng một cốt truyện tập trung với những chi tiết, sự kiện châu quần quanh đó để làm nổi bật nội dung tư tưởng tác phẩm mà tổ chức tác phẩm theo dòng ý thức trong đó độc thoại nội tâm giữ vai trò chủ đạo.

    Từ các mảnh vỡ ấy chúng ta có thể dựng lại cuộc đời của Harry: Anh có một tuổi thơ khá êm đềm, tuổi thanh xuân đầy ắp lý tưởng và hoài bão về một văn nghiệp chân chính, một cuộc đời ý nghĩa. Nhưng bước ra khỏi cuộc chiến tranh với sự đổ vỡ về lý tưởng và một trái tim tan nát, anh nhanh chóng sa ngã, trở thành người buôn bán tài năng, sống ký sinh trên tài năng của mình. Bằng cách đó anh ta dễ dàng có được một cuộc sống thừa mứa do cặp được với những người đàn bà giàu có và những người đàn bà phải lòng hắn, người sau bao giờ cũng giàu có hơn người trước. Đồng thời chúng ta cũng có những thoáng nhìn về thời đại mà Harry sống. Chúng ta thấy những cuộc chiến người ta xả súng vào đồng loại và chứng kiến sức hành hạ ghê gớm của cái chết đối với người lính. Đó cũng là một xã hội đảo điên, con người quay cuồng trước sức phá hoại của đồng tiền. Harry là nạn nhân của xã hội ấy, anh cố gắng vùng thoát khỏi nó. Anh muốn làm lại cuộc đời, vì thế mà đã cùng vợ đi Châu Phi với một mức tiện nghi tối thiểu để giảm bớt lượng mỡ trong não. Chẳng ngờ anh bị gai cào xước trong khi đi săn và anh không có thuốc sát trùng để bôi. Vết thương nhỏ mà dẫn tới hoại tử, máy bay cứu hộ không đến kịp, Harry chết trên máy bay. Harry đã mất ý chí sống từ quá lâu rồi cho nên cái chết đến với anh mới như là một sự ngẫu nhiên và đầy mỉa mai như thế.

    Còn Nỗi buồn chiến tranh là “hành trình đau đớn của một số phận dị kì tìm lại quá khứ của mình. Suốt dọc hành trình sống của Kiên, số phận giống như một thứ lực li tâm hất văng những người thân thiết ra khỏi cuộc đời anh. Hoặc họ lặng lẽ rời bỏ khỏi anh (mẹ, Phương,…) hoặc cái chết giật họ khỏi cuộc đời anh (cha, dượng, những người đồng đội,…). Những cái chết và khoảng trống tâm hồn để lại sau những cái chết chính là nguồn động lực thúc đẩy cuộc hành trình ngược về quá khứ của Kiên – cuộc hành trình tìm lại ý nghĩa ẩn dấu sau những cái chết buồn bã hoặc đau đớn của những người thân, người đồng đội. Toàn bộ cuộc đời hậu chiến của Kiên bị trôi đi trong cuộc hành trình đi tìm thời gian đã mất đó, từ những dự cảm ban đầu cho đến những giác ngộ của anh về Nỗi buồn chiến tranh và Chân lí về những cái chết trong chiến tranh” (Phạm Xuân Thạch).

    Cả với Harry và Kiên, chiến tranh gây ra những vết thương tinh thần không gì hàn gắn nổi. Ký ức của Harry về mùa đông trong những năm tháng chiến tranh là máu, là tội ác, là bắt giết, là cái chết: Lão Nanxen khi thực hiện trao đổi dân cư đã làm ngơ trước cảnh tuyết rơi (hắn nhìn tuyết và bảo “không phải tuyết”), tống các cô gái ra khỏi trại tập trung. Các cô “lê bước trong tuyết”, “lang thang đến khi chết gục”; người lính đào ngũ “đôi chân rỏ máu trên tuyết” cố vùng thoát khỏi cuộc truy lùng; Barker bay qua chiến tuyến ném bom chuyến tàu chở sĩ quan Áo về Pháp, xả súng máy vào họ khi họ chạy toán loạn. Hắn ta là “thằng sát nhân khốn kiếp”. Nhìn những xác chết ngả rạ người ta “không bụng dạ nào nói chuyện về cái đó, thậm chí không chịu nổi khi nghe nhắc đến nó”. Người ta phải chứng kiến những điều vượt ngoài sức tưởng tượng của con người và về sau “còn chứng kiến những điều tệ hơn nhiều”. Cái lẽ “Thượng Đế không bao giờ giáng xuống chúng sinh cái gì mà con người không chịu nổi” sụp vỡ tan tành trước sự tàn khốc của chiến tranh. Bởi có cái chết dai dẳng, ác nghiệt, không chịu kết liễu sinh mạng con người ta một cách nhanh chóng mà bắt từng tế bào trong cơ thể phải quằn lên trong đau đớn tột cùng: “Bắn tao đi Harry! Lạy Chúa, mày bắn tao đi cho rồi! (…) hắn không bao giờ quên Williamson cái đêm ấy. Không gì làm cho Williamson tịch đi được, cuối cùng hắn đã phải cho cậu ta tất cả những viên moóc phin hắn vẫn để dành riêng cho mình, và mặc dù vậy, vẫn không công hiệu ngay tức thì”. Như vậy, chiến tranh đổ bóng suốt chiều dài tác phẩm, hằn sâu trong ký ức Harry và thế hệ anh. Hemingway hơn ai hết thấm thía vết thương do chiến tranh gây ra cho tâm hồn mình: “Cảm giác kinh hoàng về chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã ám ảnh sâu trong tôi đến nỗi tôi không thể viết về nó suốt cả mười năm sau.”

    Dù là chiến tranh chính nghĩa, cuộc chiến tranh của Kiên cũng là kẻ thù của cái đẹp, tình yêu và sự sống: “Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!”. Nỗi ám ảnh chiến tranh đè nặng trĩu xuống cuộc đời hậu chiến của Kiên: “Trở về sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia thử hỏi đã bao năm ròng? Nhiều hôm không đâu giữa phố xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh. Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nồng lên thành mùi thối rữa. Tôi tưởng mình đang đi qua đồi "Xáo Thịt" la liệt người chết sau trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng Chạp 72”. Đồng đội của anh cũng vậy: Vượng trước lái xe tăng trong chiến tranh, giải ngũ về lái xe tải nhưng không chịu nổi xóc. Xóc mạnh ổ gà, ổ trâu, chồm nẩy lên thì còn chịu được - Vượng kể - chứ mà những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm mềm, nhũn nhũn là tớ ọe liền, nôn chóng mặt đến buông cả tay lái. Đêm về không ngủ được. Ngủ lại gào lên như bị cắt tiết. Thế là tửu. Mà tửu vào thì còn lái chó gì được nữa. Mà tớ còn bị cái thói căm ghét kẻ bộ hành và xe đạp... Cứ thấy người láng cháng trước đầu xe là hết kiên nhẫn. Phải cố sức kìm mới khỏi dận ga thúc ba đờ xốc vào họ. Các cậu hẳn thấy cảnh tăng cán người rồi chứ? Nặng thế mà thân xe vẫn bị xương thịt con người mềm mại đội kích lên một chút. Ngồi trong xe, ở tay lái thì càng nhạy cảm hơn với cái sự hơi rướn lên ấy. Biết rất rõ xe đang lướt trên những thân người chứ không phải mô đất, gộc cây hay là cục gạch. Như cái túi đẫy nước thẳng người vỡ đánh bép một cái và đẩy nhẹ băng xích lên. Ối giời ơi? - Vượng rên lên, mặt méo đi - Những cảnh như thế cán cả vào tôi khi ngủ. Các cậu không hiểu như thế là thế nào đâu... (…)Vượng đã uống cho tới ngày đổ bệnh, quỵ hẳn. Những người khác có lẽ cũng chẳng hơn gì.”

    Con người ta đã hy vọng biết bao về cuộc sống hòa bình sau chiến tranh. Viễn cảnh màu hồng mà họ vẽ ra trước đó đã sụp vỡ tan tành trước thực tại thản nhiên của thời hậu chiến và bao nhiêu mặt trái của nó. Harry vấp vào một xã hội điên đảo quay cuồng: “Tại khách sạn ở Triberg ông chủ được một mùa kinh doanh tốt đẹp (…). Năm sau xảy ra lạm phát, số tiền ông ta kiếm được năm trước không đủ mua trữ thực phẩm để mở khách sạn, và ông ta đã treo cổ tự vẫn”. Trong xã hội vô nhân đạo ấy, trẻ con không được dạy giết người là tội ác: “Thằng nhỏ dở ngây dở dại (…) coi trại” chủ dặn “không được cho ai lấy cỏ khô và cái lão già khốn kiếp ở cái Ngã Ba dạo xưa vẫn đánh đập thằng nhỏ, hồi nó còn làm cho lão, ghé vào xin ít thức ăn cho ngựa. Thằng nhỏ từ chối và lão dọa đánh lại nó. Thằng nhỏ vớ lấy khẩu súng trên bếp bắn lão khi lão đi vào kho, và khi họ trở về tại thì lão đã chết được một tuần, cóng lạnh trong ràn, xác lão đã bị chó ăn mất một phần. Còn lại bao nhiêu, cậu đem bó chăn, chất lên một cái xe trượt chằng dây thật chặt và bảo thằng nhỏ giúp cậu một tay kéo đi, rồi hai thầy trò cậu lướt ván trượt tuyết đưa xe ra đến đường cái đi tiếp sau mươi dặm tới tận tỉnh để giao thằng nhỏ cho cảnh sát. Nó thì không ngờ mình sẽ bị bắt. Nó ngỡ mình đã làm tròn bổn phận và nó sẽ được thưởng cơ. Nó đã giúp một tay kéo xác lão già về tỉnh để mọi người thấy là lão xấu xa như thế nào, và khi tay quận trưởng cảnh sát còng tay thằng nhỏ, nó không thể tin đó là sự thật. Thế là nó òa lên khóc”. Còn Kiên, anh mãi mãi lạc lõng, đơn độc trên cõi đời: “Sau cuộc chiến tranh ấy chẳng còn gì nữa cả trong đời anh. Chỉ còn những mộng mị hảo huyền. Sau cuộc chiến tranh ấy anh dường như chẳng còn ở trong một "kênh" với mọi người. Càng ngày Kiên càng có cảm giác rằng không phải mình đang sống mà là đang bị mắc kẹt lại trên cõi đời này.” Phương, người yêu của Kiên “quyết định sẽ phung phí đời mình, sẽ hủy diệt nó trong cuộc loạn ly” của chiến tranh và bằng vào sự lựa chọn như thế, cô đã đánh mất tất cả. Mơ ước đoàn viên của Kiên và Phương mãi mãi trở thành ảo mộng. Phương, lẽ ra phải thuộc về một thứ nghệ thuật thượng tầng thì lại hiến mình cho thứ nghệ thuật mua vui rẻ tiền, cô lao vào “cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm” nhưng rồi bẽ bàng bởi hơn ai hết cô biết mình không tìm được chút vui thú nào trong đó. Kiên chứng kiến những gia đình mất nóc, “con khinh bố”, “vợ chửi chồng”, chứng kiến em gái của đồng đội đi làm đĩ… Đối mặt với thực tại như thế, càng ngày Kiên càng lùi sâu hơn vào quá vãng.

    Harry, một chàng trai trẻ giàu nhiệt huyết đã nhanh chóng trở thành một kẻ buông thả, sa đọa, ngập chìm trong giả dối và dối trá trở thành “mánh khóe kiếm cơm của hắn”. Harry “bán chác tất cả những gì còn sót lại của cuộc đời mình”, chỉ đến khi đối diện với cái chết, anh mới rốt ráo đi tìm lại con người chân chính trước kia của mình. Song thời gian tìm thấy của Harry là những thứ vĩnh viễn anh không bao giờ còn được nắm giữ.

    Harry tìm lại thiên hướng viết văn: Nẻo đường về hồi ức, Harry tìm lại những gì đáng để viết, còn khi về lại với thực tại, anh truy tìm nguyên nhân vì sao mình lại vứt bỏ tài năng mà không chút nào ý thức. Thoạt tiên là biện hộ: “Tất cả chúng ta, ai làm công việc gì, ắt hẳn đã được phú bẩm từ lúc lọt lòng, hắn nghĩ. Anh kiếm sống như thế nào, thì tài năng của anh ở chỗ đó. Hắn đã suốt đời bán sinh lực dưới hình thức này hay hình thức khác, và chính khi không quá nặng tình nghĩa, người ta lại cho đi những cái giá trị gấp bội số tiền bạc nhận được”. Qua đối thoại với chính mình, dũng cảm đối diện với sự thật, Harry phải thừa nhận: “Cái cô ả tốt bụng ấy, cái con đĩ tĩ vàng ấy, người bảo vệ nhiệt thành mà cũng là kẻ hủy hoại tài năng của hắn. Tầm bậy. Chính hắn đã hủy hoại tài năng của mình. Tại sao hắn lại đổ tại cho người đàn bà này chỉ vì cô ta đã bao hắn chu tất? Hắn đã hủy hoại tài năng của mình bằng cách không sử dụng đến nó, bằng những lần tự phản bội bản thân, phản bội những điều mình tin, bằng rượu chè vô độ đến nỗi cùn mòn cả cảm quan, bằng lười nhác, ẽo ợt, bằng đua đòi điệu đàng, bằng hợm hĩnh và định kiến, bằng mưu kế giảo hoạt. Gì vậy nhỉ (…) Thì đúng là hắn có tài thực, nhưng đáng lý sử dụng nó thì hắn lại đem buôn bán nó. (…) Và hắn đã chọn cách kiếm sống bằng một cách gì khác, chứ không phải bằng ngòi bút”. Suy nghĩ về tài năng, về sự viết trở đi trở lại trong tác phẩm này. Cuối cùng, anh cay đắng nhận ra mình đã lỡ, lỡ mất một văn nghiệp chân chính mà lẽ ra anh phải dùng cả cuộc đời để đeo đuổi: “Nhưng nếu hắn sống, hắn sẽ không bao giờ viết về nàng, bây giờ thì hắn biết chắc điều đó. Cũng chẳng viết về bất kỳ ai trong số các cô nàng. Cái bọn giàu thật chán ngắt, và họ uống rượu quá đáng, cờ bạc quá đáng. Họ vừa chán phèo vừa hay lặp đi lặp lại”. Thiên hướng viết văn trở lại với Harry sau khi anh từ bỏ thế giới giả dối và phù phiếm ấy: “Có biết bao chuyện cần viết. Hắn đã chứng kiến thế giới đổi thay; không chỉ đơn thuần sự kiện; mặc dầu hắn đã thấy nhiều sự kiện và quan sát con người song hắn còn thấy được sự biến đổi tinh tế hơn và hắn có thể nhớ lại những biểu hiện con người ở những thời kỳ khác nhau. Hắn đã ở trong cuộc, hắn đã theo dõi, đã quan sát và bổn phận của hắn là phải viết về cái đó”. Anh tự nhủ: “mọi sự dồn lại đến mức có thể thu gọn trong một đoạn văn ngắn nếu biết cách”. Nhưng muộn mất rồi! không dưới mười lần, Harry nói và nghĩ cái ý mình không còn kịp để viết bất cứ cái gì nữa, ước vọng về một đời văn “giờ đây vĩnh viễn không thực hiện được nữa rồi”. Thiên hướng hiển hiện trước mắt nhưng anh không còn có thể bước đi trên con đường đó được nữa.

    Harry tìm lại tình yêu: Harry đánh mất người yêu, đánh mất tình yêu nơi trái tim mình vì anh sống đời sống quá ích kỷ: “với những người phụ nữ hắn yêu thì hắn lại cãi cọ nhiều đến nỗi rốt cuộc bao giờ cũng vậy, với những eo xèo cãi vã gặm mòn, họ đã giết chết những gì từng có với nhau. Hắn đã yêu quá mãnh liệt, đòi hỏi quá nhiều và cuối cùng hắn đã làm mòn xác xơ tất cả.” Helen, người vợ hiện giờ của anh là người mà anh không yêu. Vì trái tim không có tình yêu, anh hằn học, tàn nhẫn với người vợ hết mực thương yêu mình. Anh chỉ thấy Helen tầm thường và giả dối, xấu xa và tẻ nhạt. Cái ý kết tội Helen hủy hoại cuộc đời trở đi trở lại cả trong ý nghĩ và lời nói của Harry. Harry giày đạp lên tình yêu: “Yêu, tình yêu là một đống phân (…) Và tôi là con gà trống nhảy lên trên đó mà gáy” và nhục mạ vợ: “Cô thật ngu hết chỗ nói”, “Cái đồng tiền chết tiệt của cô”, “Đồng tiền đáng nguyền rủa của cô”, “Cô là con đĩ (…) Đĩ tĩ vàng”… Helen không còn nhận ra người chồng mà cô luôn tôn thờ, cô không kìm nén được, hét lên: “Im đi, Harry, tại sao giờ đây anh lại phải tự biến mình thành con quỷ như vậy”. Nhưng trong lời nói, cử chỉ sau đó, ta vẫn luôn thấy cô lo lắng và hết lòng săn sóc cho Harry. Chính điều đó là giúp cho trong trái tim Harry, tình yêu tìm thấy lại. Harry nhận ra mình đã đối xử tàn nhẫn, bất công với vợ; anh nhận ra nàng cũng là một nạn nhân đáng thương của xã hội; nhận ra nàng chẳng phải chịu chút trách nhiệm nào về cuộc đời vứt đi của anh. Anh nhận ra nàng “quả là một phụ nữ cao đẹp, phải, thực sự là tuyệt diệu”. Nhưng đúng vào thời khắc tuyệt diệu ấy, Harry “chợt nghĩ ra mình sắp chết”. Lúc bắt đầu sống lại trong tình yêu cũng là lúc Harry nhận ra mình không được hưởng tình yêu ấy nữa: chưa bao giờ Harry thấy nàng đẹp đến thế và “trong khi nàng mỉm cười, nụ cười khả ái quen thuộc của nàng”, anh “lại cảm thấy cái chết lại gần”. Lời nói mang niềm yêu thương chân thành và nỗi hối hận muộn màng: “Em là một người phụ nữ thật tuyệt vời (…) Đừng để ý đến anh” chỉ thốt ra khi Harry cảm nhận cái chết đang ở rất gần, đã thấy nó lướt qua, và anh đã kịp nói ra điều đó trước khi cái chết làm anh tê liệt. Anh tìm lại được tình yêu ngay trên ngưỡng cửa của cái chết.

    Harry tìm lại tuổi thơ và tuổi trẻ đẹp đẽ của mình: Kỷ niệm thời thơ ấu của Harry gắn với ngôi nhà gỗ “với những kẽ trát vữa trắng, trên một mái đồi ven hồ. Trên một cái cột cạnh cửa ra vào, có chuông để gọi mọi người về dùng bữa. Đằng sau căn nhà là những cánh đồng và đằng sau những cánh đồng là rừng cây to. Một hàng bạch dương Lombardy chạy từ nhà đến bến. Những cây dương khác viền quanh mỏm. Một con đường dẫn lên đồi, men theo bìa rừng và hắn thường hái quả mâm xôi dọc theo con đường ấy”. Vết rạn trong ký ức tuổi thơ của anh là ngôi nhà gỗ yêu thương bị cháy và tuy một ngôi nhà gỗ tuyệt đẹp được xây lại trên ngôi nhà cũ bị cháy nhưng không bao giờ anh còn được thấy lại những khẩu súng săn “ở những giá chân hươu phía trên lò sưởi trống”, ông của anh cũng không bao giờ mua súng săn nữa. Từ nhỏ Harry đã trải nghiệm cái lẽ một đi không trở lại của những điều đẹp đẽ.

    Tuổi trẻ của Harry cũng thật đẹp, thật thơ dù gian khó: “Chẳng nơi nào khác ở Paris mà hắn yêu như thế, những cây tỏa lan man cành lá, những ngôi nhà cổ trát vữa trắng, mé dưới quét vôi nâu, cái dãy dài xe buýt màu xanh lục ở quảng trường tròn đỏ, dòng đỏ tía thuốc nhuộm hoa chảy trên hè, quãng phố Giáo chủ Lemoine đột ngột dốc tuột xuống tận bờ sông, và mạn kia là cái thế giới chật chội chen chúc của phố Mouffetard. Con phố người lên về phía điện Pantheon và con phố kia mà bao giờ hắn cũng rong ruổi qua bằng xe đạp, đường phố duy nhất được rải nhựa trong toàn khu, nhẵn thín dưới bánh xe, với những ngôi nhà cao hẹp và cái khách sạn rẻ tiền, nơi Paul Verlaine đã chết”. Những người sống quanh anh là: “các ông bà già lúc nào cũng say rượu vang và bã nho tồi; và bọn trẻ thò lò mũi xanh trong giá rét; mùi mồ hôi bẩn thỉu, mùi nghèo khổ và mùi say khướt” … nhưng anh mến họ, anh nhìn thấy vẻ đẹp của một người vợ hạnh phúc “đỏ bừng mặt và cười vang, rồi vừa chạy lên gác vừa khóc” khi được tin chồng giải ba đua xe đạp, anh hiểu và trọng những người công nhân nơi đây: “Họ là con cháu những chiến sĩ Công xã Pari, và họ hiểu rõ chính kiến của mình không vất vả gì. Họ biết ai đã bắn cha chú, anh em, họ hàng và bạn bè của họ…”. Anh gần gũi với họ đâu chỉ vì cùng cảnh nghèo mà hơn hết, anh ý thức được trách nhiệm của mình với cuộc đời: “Chính trong khung cảnh nghèo khổ ấy và trong cái khu bên phố trước một cửa hiệu bán thịt ngựa và một hợp tác xã rượu vang, hắn đã khởi bút mở đầu tất cả những gì hắn sẽ làm sau này”.

    Thời gian tìm thấy lại của Harry thật đẹp đẽ và ý nghĩa biết bao. Cuộc đời ấy của anh đã bị đánh cắp. Chính anh tiếp tay cho sự đánh cắp ấy. Chính anh cũng là tòng phạm. Còn Kiên, anh đi theo tiếng gọi của chính nghĩa, nhưng rồi lần lượt anh cũng mất tất cả. Cuối cùng chỉ có ký ức trong tâm hồn anh là bất tử, cái chết không thể chạm được vào cho dù tất cả trong cái thế giới thực tồn của nó thì đã đổi thay. Phương của đời thực mãi mãi ngoài tầm tay với nhưng Phương trong lòng anh “vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viễn bên ngoài mọi thời buổi. Vĩnh viễn nàng tuyệt đẹp, đẹp không chung một nét với bất kỳ kiểu người đẹp nào mà đời từng được biết. Nàng như là thảo nguyên vừa qua mùa mưa lướt vào mùa gió, cuồn cuộn sóng cỏ xô bờ, rợp trời hoa cúc tơ hồng bay. Nàng xinh đẹp, mê dại và bất kham, hấp dẫn đến lịm người bởi sắc đẹp kì ảo và khôn lường, đẹp một cách đau lòng, đẹp như thể một sắc đẹp bị chấn thương, như thể một sắc đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực”. Cuộc hành trình của sáng tạo văn chương cũng đi tới bến cuối: “Thực ra thì trong chiến tranh Kiên được hưởng nhiều may mắn hơn thời bình, bởi vì trong chiến tranh anh đã được sống, chiến đấu, trưởng thành lên bên những người đồng chí thật tốt. Tuy nhiên, giá của sự may mắn ấy là anh đã lần lượt mất hết những người bạn, người anh em, người đồng đội chí thiết nhất. Họ bị giết ngay trước mắt Kiên hoặc là đã chết trong vòng tay anh. Nhiều người đã chết để gỡ cho tính mạng Kiên. Nhiều người hi sinh bởi lỗi lầm của anh”. Và như vậy sống đối với anh là trả món nợ đối với những người đã ngã xuống: “sống gắn liền với trách nhiệm nói thay lời trăng trối của những người đã chết trong chiến tranh, những “đồng đội thân yêu và ruột thịt, vô số và vô danh, những liệt sĩ của lòng nhân, đã làm sáng danh đất nước này và đã làm nên vẻ đẹp tinh thần cho cuộc kháng chiến”, để làm cho tiếng nói chung của một thời đại “đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người” không bị chìm vào quên lãng và sự vô tình của “nền hòa bình thản nhiên” hậu chiến. “Thiên mệnh” ấy chính là sức mạnh duy nhất duy trì cuộc sống thời hậu chiến của Kiên, là sức mạnh níu kéo anh lại với cuộc đời trong những giây phút cận kề cái chết và sự suy sụp tinh thần. Công cụ duy nhất của anh để thực hiện chức trách ấy chính là văn chương. Đó chính là con đường khiến cho Kiên trở thành một nhà văn “tồn tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hi sinh, là nhà tiên tri của những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời quá khứ”. Có thể nói đối với Kiên, thiên chức văn chương cũng chính là thiên chức cuộc đời” (Phạm Xuân Thạch).

    Kiên “dấn thân vào chiến tranh, trải nghiệm những cảnh huống kinh hoàng của chiến tranh và ra khỏi chiến tranh với gánh nặng của những kỷ niệm đau đớn. Tuy vậy, bằng một ý chí sống thấm đẫm màu sắc chủ nghĩa anh hùng, trong những ngày tháng hậu chiến, anh đã vật lộn với những ám ảnh quá khứ để đạt đến một sự thấu thị về ý nghĩa cao cả của cuộc chiến tranh, về những gì bất diệt trong chiến tranh, về những gì mà bạo hành và cái chết không thể hủy diệt: “vĩnh cửu của những tình người”” (Phạm Xuân Thạch).

    Chiến tranh của Kiên mang một chân lí thật đơn giản: “Những con người xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi đời này nhưng đã lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống!”. Và chính cuộc chiến tranh với nỗi buồn của nó, vẻ đẹp của nó đã giúp Kiên có thể hoàn thanh thiên chức văn chương, thiên chức cuộc đời của mình. Còn những người thuộc về phía bên kia – phía của chiến tranh phi nghĩa, cái “hội chứng Việt Nam” đeo đuổi họ cho tới lúc chết, và từ cuộc chiến ấy họ chẳng tìm được gì để nâng đỡ tâm hồn mình.

    Người Nga cũng kinh qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, họ cũng từng ngây ngất và tự hào về cái mặt chói sáng của tấm huân chương, và họ cũng dần dần nhận chân ra cái mặt trái của tấm huân chương ấy. Và cũng chính người Nga chỉ ra rằng: bản chất của chiến tranh là bi kịch, bi kịch từ những ngày đầu tiên cho đến những ngày kết thúc. Và chúng ta không được phép lãng quên điều đó. Văn học viết về chiến tranh đã, đang và sẽ góp phần tích cực để chấm dứt tiếng súng trên trái đất này và để làm nên một thế giới không có chiến tranh.
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

    Các bài viết cùng chuyên mục:

    2 tuổi cai sữa, 25 tuổi tái nghiện.

  2. Những người đã cảm ơn :


  3. #2
    Thành viên mới
    Ngày tham gia
    23-04-2011
    Tuổi
    29
    Bài viết
    5
    Cảm ơn
    0
    Đã được cảm ơn 0 lần ở 0 bài viết

    Thumbs up

    trời bài viết hay wá trời luôn, gắng poss nhiều bài hay nữa nhá ^^!
    Nguồn từ: http://chuyenhvt.net

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Các Chủ đề tương tự

  1. Gặp lại - Phần II của Nếu em không phải một giấc mơ
    Bởi nobita85uct trong diễn đàn Truyện chữ
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 18-07-2009, 04:19 PM
  2. Chùm ảnh tuyệt đẹp của nhiếp ảnh gia được yêu thích nhất nước Nga
    Bởi M.Com trong diễn đàn Thời trang - Mỹ thuật ...
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 08-05-2009, 09:43 AM
  3. Một số hình ảnh đẹp của truyện tranh
    Bởi thienthanaoden trong diễn đàn Album Ảnh tổng hợp
    Trả lời: 131
    Bài viết cuối: 23-10-2008, 01:32 PM
  4. Trả lời: 7
    Bài viết cuối: 14-07-2008, 07:02 PM
  5. Giả mã " Biến mất nữ thần tự do " của David Corperfield
    Bởi Mr.Sju trong diễn đàn Teen....tin....
    Trả lời: 15
    Bài viết cuối: 02-04-2008, 06:00 PM

Đánh dấu

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •