* Chiến cuộc mùa hè 1942:
Mùa hè 1942, sau thất bại tại cửa ngõ Moskva, quân đội Đức chuẩn bị cho đợt hoạt động quân sự mới nhằm giành quyền chủ động tiến công chiến lược. Mục tiêu của bộ chỉ huy tối cao Đức quyết định trước hết cần phải làm Liên Xô suy yếu bằng cách chiếm các vùng quan trọng sống còn về kinh tế và nhân lực. Tháng 4-1942, Đại bản doanh của Hitler đã ra bản huấn thị số 41 quy định đòn tấn công chính của quân Đức mùa hè 1942 là nhằm vào mặt trận Tây Nam Liên Xô. Mục tiêu là vùng sông Đông và Kavkaz - những trung tâm sản xuất lương thực và dầu mỏ quan trọng của Liên Xô. Nếu mục tiêu trên thành công, quân Đức sẽ triển khai lực lượng lên phía Bắc đánh vu hồi Moskva, triển khai lực lượng xuống phía nam chiếm toàn vùng Crưm.
Để thực hiện kế hoạch chiến lược này phía Đức ra lệnh phòng ngự chiến lược tích cực tại tất cả các mặt trận khác tại cánh bắc và trung tâm mặt trận Xô – Đức, dồn lực lượng chủ lực xuống phía nam. Bộ chỉ huy Đức đã tập trung ở phía Nam các tập đoàn quân bộ binh số: 2,6,11,17 và các tập đoàn quân xe tăng số: 1,4 đầy đủ quân số với hơn 900 ngàn binh lính và sỹ quan, 17.000 pháo và súng cối, 1260 chiếc xe tăng và pháo tự hành có sự yểm trợ của không hạm đội số 4 với 1640 máy bay, ngoài ra còn có các tập đoàn quân số 8 của Italia, số 2 của Hungari và sau này thêm 2 tập đoàn quân số 3 và 4 của Rumani phối thuộc.
Trong khi đó, do đánh giá sai về hướng tiến công của địch, bộ tư lệnh tối cao Liên Xô đã có sự sắp xếp phòng ngự thiếu hợp lý. Đương đầu với lực lượng Đức ở chiến trường phía nam, quân đội Xô-viết có ba Phương diện quân Bri-an-xcơ, Phương diện quân Nam và Phương diện quân Tây Nam, tất cả có 655.000 chiến sỹ và sỹ quan, 740 xe tăng, 14.200 khẩu pháo và súng cối, hơn 1.000 máy bay - chiếm 1/5 tổng lực lượng Hồng quân. Đa số lực lượng còn lại phòng ngự ở mặt trận Moskva, chờ đợi đợt tấn công vào trái tim nước Nga mà Stalin cho rằng, sẽ là hướng chủ yếu trong kế hoạch của bộ tư lệnh Đức.
Bộ tổng tham mưu đứng đầu là Tổng tham mưu trưởng Boris Mikhailovich Shaposhnikov cùng phó tổng tư lệnh tối cao G.K Zhukov có quan điểm thận trọng, đề nghị trong mùa hè 1942 chỉ tấn công tại khúc lồi Rzhev – Viazma còn trên toàn mặt trận sẽ phòng ngự chiến lược để tích luỹ lực lượng dự bị còn đang rất thiếu của quân đội Xô Viết. Nhưng do đánh giá sai lầm về lực lượng cũng như hướng tiến công của đối phương, Tổng tư lệnh tối cao Stalin đã ra lệnh tấn công trên toàn mặt trận để đánh bại quân đội Đức ngay trong năm 1942. Mệnh lệnh này hình thành lên kế hoạch chiến lược của quân đội Liên Xô mùa hè 1942 và được hiện thực hoá tại chiến trường phía nam bằng 2 trận tấn công lớn: chiến dịch Crime và chiến dịch Kharkov. Cả 2 chiến dịch này đều thất bại, đặc biệt là trận Kharkov đã tạo một lỗ hổng phòng ngự lớn, mở toang cánh cửa cho quân Đức tiến vào Nam Liên Xô.
Bản đồ chiến trường tây nam Liên Xô - 1942.
Ngày 12/5, với lực lượng 640.000 người và 1200 xe tăng, nguyên soái Timochenko phát động cuộc tiến công tái chiến Kharkov từ 2 bàn đạp Volchansk và Barvenkovo mà không hề biết tới tập đoàn bộ binh số 6 của Paulus và tập đoàn tăng số 1 của Kleist đang tập trung ở đây. Đến tối 12, Hồng quân chỉ còn cách Kharkov 20 km. Quân Đức đã phản ứng mau lẹ và đầy khôn ngoan: tập đoàn quân số 6 tiếp tục rút lui trong khi các sư đoàn xe tăng của Kleist tập trung chuẩn bị đột kích cạnh sườn các lực lượng Hồng quân lúc này đã tiến sâu vào hậu phương Đức. Ngày 17/5, tập đoàn tăng số 1 phản công từ phía nam khúc lồi Barvenkovo. Phát hiện lực lướng lớn quân địch đánh bọc sườn trái, ngày 19/5, nguyên soái Timochenko ra lệnh đình chỉ tiến công nhưng không thể cứu vãn tình thế. Tập đoàn quân 6 cũng bắt đầu phản công, khép chặt vòng vây tại Barvenkovo vào ngày 23/5, bên trong là 2 TDQ số 6 và 57 của Liên Xô. Ngày 29/5, chiến dịch Kharkov hoàn toàn thất bại, Hồng quân tổn thất 240 000 người và hầu như toàn bộ số xe tăng trong khi tổn thất của Đức chỉ là 20 000.
Sau các thắng lợi ở cánh nam chiến trường, ngày 28/6/1942, quân đội Đức bắt đầu tiến công với mục tiêu đầu tiên là thành phố Voronezh nhằm chọc thủng phòng tuyến sông Don của Liên Xô. Đợt tấn công này vấp phải sự kháng cự quyết liệt, nhưng khi tập đoàn tăng số 4 Đức tiến sát thành phố họ chỉ phải đương đầu với 1 vài đơn vị chặn hậu. Điều này khiến Hitler cho rằng Liên Xô đã cạn kiệt quân dự bị trong khi thực tế là, lần đầu tiên, Hồng quân đã rút lui có tổ chức nhằm bảo toàn lực lượng.
Tin rằng Hồng quân đã tan rã, Hitler đã đưa ra một loạt thay đổi: cụm tập đoàn quân Nam bị chia thành 2 đạo quân nhỏ hơn: cụm tập đoàn quân A, dưới sự chỉ huy của Wilhelm von List, bao gồm các tập đoàn quân đức số 17 và tập đoàn tăng số 1; và Nhóm tập đoàn quân B, dưới sự chỉ huy của Maximilian von Weichs, gồm các tập đoàn quân đức số 2 và số 6, tập đoàn tăng số 4 và 2 tập đoàn quân Italia và Hungary. Trong đó, hướng chủ yếu do cụm tập đoàn quân A đảm nhiệm tiến về dãy Kavkaz nhằm chiếm các giếng dầu quanh Baku, hướng thứ yếu do cụm tập đoàn quân B đảm nhiệm tiến về Stalingrad, khống chế vựa lúa mì của Liên Xô, cắt đứt tuyến vận tải thủy quan trọng là sông Volga, đồng thời bảo vệ sườn trái của mũi chủ yếu. Sự phân chia này cho thấy sự chủ quan, đánh giá sai lực lượng đối phương của Hitler, đồng thời nó cũng vi phạm nguyên tắc cơ bản của chiến tranh: tập trung binh lực. Sau này, sau thất bại Stalingrad, quân đội Đức đã buộc phải rút khỏi vùng lãnh thổ chiếm được ở phía bắc dãy Kavkaz.
Ngày 23/7, sau 1 trận chiến khó khăn trong đô thị, cụm tập đoàn quân A chiếm được Rostov. Sau đó, đạo quân này từ 25 tháng 7 lấy bàn đạp là hạ lưu sông Đông từ khu vực Rostov tấn công phương diện quân Nam Xô Viết theo hướng đông – nam và sau đó theo hướng nam tràn vào Bắc Kavkaz và tiến đến dãy núi Kavkaz theo kế hoạch phải chiếm được các đèo ngang để đột phá tới biển Kaspi chiếm Baku và để đánh thông ra bờ biển đen.
Cuộc tấn công ban đầu của chiến dịch kavkaz của Đức rất thuận lợi. Tại phía nam chiến trường Xô – Đức hoá ra không hề có lực lượng dự bị nào đáng kể của Xô Viết và điều đặc biệt địa hình ở đây là các thảo nguyên rộng lớn rất thưa dân của các tỉnh Stavropol và Krasnodar và Kuban rất thuận lợi cho các tập đoàn quân xe tăng số 1 và số 4 của Đức tấn công cơ động. Vào cuối tháng 7 Hitler ra lệnh điều tập đoàn quân xe tăng số 4 sang cụm B để tăng cường tấn công Stalingrad, tuy mất một nửa số xe tăng nhưng tốc độ tấn công của Đức cũng vẫn rất cao: trong vòng một tháng đến cuối tháng 8 quân Đức chiếm một vùng rất rộng lớn dài rộng hàng 500 – 600 km. Quân đội Xô Viết tại chiến trường này hoàn toàn không có tuyến phòng thủ nào và Hồng quân cũng không định lập tuyến cố thủ đánh nhau với xe tăng Đức trên thảo nguyên: quân Đức như đi vào chỗ không người, Hồng quân chỉ cố gắng dùng các đơn vị kỵ binh cơ động nhẹ tập kích các cơ cấu hậu cần của Đức để cản tốc độ tấn công của quân Đức và cũng không có đơn vị lớn nào của Xô Viết bị tiêu diệt.
Bộ tổng tư lệnh tối cao Hồng quân đã chọn tuyến cố thủ rất xa về phía nam tại tuyến sông Terech đi qua Chesnia ngày nay, tựa lưng vào dãy núi lớn Kavkaz với các căn cứ điểm tựa chính là Makhachkala, Groznyi và Orzhonikidze. Các đơn vị Xô Viết trật tự kéo về tuyến sông Terech, Hồng quân chốt chặn tất cả các đèo ngang qua dãy núi lớn Kavkaz đón đợi quân Đức. Khi đã chiếm hết vùng thảo nguyên và đồng bằng Bắc Kavkaz, đụng phải tuyến Terech quân Đức đã chững lại và không có cách gì xuyên phá được tuyến phòng thủ của phương diện quân Ngoại Kavkaz Xô Viết của tư lệnh đại tướng Ivan Vladimirovich Tiulenev, mọi cố gắng xuyên phá tới biển Kaspi hoặc đánh thông ra bờ Biển Đen đều thất bại: ở đây xe tăng thiết giáp vô dụng trong đánh núi, quân số đông không đóng vai trò quyết định mà kỹ năng của bộ binh sơn cước người bản địa của Xô Viết vượt xa đối phương. Chiến dịch Kavkaz của Đức đã bế tắc, chiến tuyến bình ổn tại tuyến Novorossisk – đông bắc Tuapse – đèo Marukh – Elbrus – Nalchik – Mozdok...
Trong khi đó, cụm tập đoàn quân B cũng bắt đầu rất thuận lợi, xe tăng Đức tỏ rõ ưu thế vượt trội trên vùng thảo nguyên nam Nga và tập đoàn quân 6 tiến rất nhanh về phía đông. Sự thành công bước đầu này ấn tượng đến nỗi Hitler đã điều tập đoàn tăng số 4 xuống phía nam để hỗ trợ tập đoàn tăng số 1. Sự điều chỉnh này ngay lập tức gây rối loạn kế hoạch của các tướng lĩnh Đức và cơ cấu tiếp vận hậu cần. Tốc độ tiến quân của tập đoàn quân số 6 cũng giảm đi rõ rệt. Đến cuối tháng 7, cụm tập đoàn quân B tiếp tục tấn công và đến giữa tháng 8 đã tiến đến sông Don, đẩy các đơn vị Hồng quân về phía bờ đông.
Sau khi mũi chủ yếu của quân Đức lâm vào bế tắc, Hitler đã nhận thấy triển vọng của mũi thứ yếu và quyết định Stalingrad trở thành mục tiêu chính. Chiếm được thành phố này đồng nghĩa với việc quân đội Đức sẽ cắt được thuỷ lộ huyết mạch nối Liên Xô với các giếng dầu Baku và thế giới bên ngoài, đồng thời, nó cũng đồng nghĩa với khả năng vu hồi Moskva từ phía nam và tiến sâu vào nội địa Liên Xô - bờ tây Volga là thảo nguyên rộng lớn, nơi mà thiết giáp Đức có điều kiện phát huy sức mạnh tối đa. Do vậy, hạ tuần tháng 8, Hitler điều tập đoàn tăng số 4 lên phía bắc và cùng với tập đoàn quân 6 hình thành 2 mũi công kích tiến về Stalingrad…………
Các bài viết cùng chuyên mục:
- Hoc sinh gioi quoc gia lich su
- Hình ảnh về chiến tranh VIỆT NAM [1959-1973]
- 1975 Fall of Saigon - Những hình ảnh ít...
- Các bạn hãy lắng nghe tổ tiên ta kể lại
- Bác hồ đọc tuyên ngôn độc lập
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- TS Lê Mạnh Thát và phát hiện lịch sử chấn...
- TS Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử...
- Sự tích Sơn Tinh-Thủy Tinh.(ý định đọc giải...
- Bạn Thích nhân vật lịch sử nào của Việt Nam
Đánh dấu