Tờ xanh” (danh từ để chỉ đồng dollar Mỹ, USD) trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới là một thương hiệu quen thuộc và phổ biến hơn cả những nhãn hiệu hàng hoá đại chúng như Coca - Cola hay McDonald. Hình thức của những đồng USD hiện đại chứa đựng nhiều điều thú vị do những pha trộn các chi tiết kết cấu, lịch sử và các yếu tố huyền bí.
Một số chi tiết trên các tờ xanh thường bị coi là các biểu tượng của hội Tam Điểm hay các tổ chức tín ngưỡng huyền bí nào đấy. Theo đánh giá của website Washprofile, những suy nghĩ như thế hoàn toàn không vô căn cứ vì nhiều nhà lập quốc của nước Mỹ đã là thành viên của hội Tam Điểm và hiện nay các nhóm Tam Điểm vẫn điềm nhiên tồn tại và phát triển trong lòng nước Mỹ. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, phần lớn các chi tiết trên các tờ xanh được đưa vào để chống lại những kẻ làm tiền giả. Yếu tố an ninh luôn được đặt lên hàng đầu trong lĩnh vực tài chính Mỹ.
Hình thức căn bản của đại đa số các tờ xanh hiện đang được lưu hành đã được thông qua năm 1928. Trên các đồng USD thường có chân dung các nhà lãnh đạo Mỹ: vị Tổng thống thứ nhất George Washington hiện diện trên các tờ $1; vị Tổng thống thứ ba Thomas Jefferson - trên các tờ $2; vị Tổng thống thứ 16, người anh hùng đã giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến Nam Bắc Abraham Lincoln - trên các tờ $5; một trong những nhà lập quốc và cũng là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ Alexander Hamilton - trên các tờ $10; vị Tổng thống thứ 7 và cũng là một trong những người sáng lập ra các đồng USD hiện đại Andrew Jackson - trên các tờ $20; vị Tổng thống thứ 18 và cũng là anh hùng nội chiến Ulysses Grant - trên các tờ $50; nhà bác học, nhà bình luận chính trị kiêm nhà ngoại giao Benjamin Franklin - trên các tờ $100.
Trên các tờ bạc Mỹ có mệnh giá $500 có hình vị Tổng thống thứ 25 William McKinley; trên tờ có mệnh giá $1.000 - hình vị Tổng thống Mỹ thứ 24 Grover Cleveland; trên tờ có mệnh giá $5.000 - hình vị Tổng thống thứ 4 James Madison; trên tờ có mệnh giá $10.000 - hình người đứng đầu Bộ Tài chính dưới thời Tổng thống Lincoln và về sau trở thành Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, ông Salmon Chase. Chính ông Chase đã là người đầu tiên quyết định ghi lên các tờ bạc Mỹ câu "Chúng tôi tin ở Thượng đế" (In God We Trust) - câu này thoạt tiên được khắc lên các đồng tiền kim loại mệnh giá 12 cent (100 cent bằng 1 USD) năm 1864.
Trên các tờ bạc giấy, câu này xuất hiện năm 1957 và từ năm 1963 bắt đầu được sử dụng thường xuyên. Có một chi tiết là: tờ $1, được phát hành từ năm 1863, đã không có chân dung của George Washington mà chỉ có chân dung của ông Chase.
Năm 1864, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật quy định rằng, trên các tờ bạc Mỹ không được in hình của những người còn sống. Quy định đó được đưa ra sau khi xảy ra câu chuyện thú vị này: ông Spencer Clark, lãnh đạo của Cục Tiền tệ mới được thành lập và vừa bắt đầu phát hành các đồng USD (để tài trợ cho cuộc nội chiến ở Mỹ khi đó) đã đưa chân dung của mình lên tờ bạc 5 cent (nay là đồng tiền kim loại). Thử nghiệm này đã có thể không gây nên những chuyện ầm ĩ vì trước đó trên các "tờ xanh" cũng đã có chân dung của ông Chase, một quan chức tài chính vẫn đang còn sống.
Thế nhưng, chẳng bao lâu sau đó Clark lại bị dính vào một vụ tai tiếng tình ái: trong cơ quan mà ông Clark quản lý có những phụ nữ đầu tiên được nhận làm viên chức nhà nước ở Mỹ và ông đã có với họ những mối quan hệ cá nhân không xứng danh quan chức. Để giải thoát cho các "tờ xanh" khỏi những tai tiếng và để định chế nhà nước Mỹ không bị giễu cợt, Quốc hội Mỹ đã đưa ra quyết định trên - những người không còn sống thì không thể nào gây nên các vụ tai tiếng mới!
Ở mặt sau của các "tờ xanh" có những hình ảnh minh họa cho lịch sử của nước Mỹ hoặc là những biểu tượng của nước Mỹ. Trên tờ $2 (tương đối là hiếm gặp) có hình ký bản Tuyên ngôn Độc lập. Trên tờ $5 - hình khu Tưởng niệm Lincoln ở Washington. Trên tờ $10 - hình trụ sở Bộ Tài chính Mỹ. Trên tờ $20 - hình Nhà Trắng.
Trên tờ $50 - hình trụ sở Quốc hội Mỹ. Trên tờ $100 - hình Independence Hall ở Philadelphia, tòa nhà mà trong đó đã diễn ra lễ ký Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.
Tất cả các tờ bạc Mỹ đều in fácimile (bản sao) chữ ký của các quan chức chịu trách nhiệm về nền tài chính nước nhà. Thoạt đầu đó là những chữ ký "tươi" của những con người có thực. Năm 1776, những phần tử li khai ở Mỹ đã quyết định tung ra đồng tiền riêng của mình mang tên continental (tên gọi này được hình thành từ tên Quốc hội đầu tiên của quốc gia tương lai - Continental Congress).
Thực tế là đã khởi động cỗ máy in ra những đồng tiền không có gì đảm bảo giá trị (vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ, khi đó mới chỉ là Tổng tư lệnh quân đội George Washington có lần đã nhận xét một cách châm biếm rằng, mang một xe tiền continental đi có thể mua được một xe khoai tây!) Thế nhưng, mỗi một tờ continental đều được in các chữ ký để chống lại những kẻ làm giả nó, vốn rất ráo riết tác nghiệp ở Bắc Mỹ khi ấy.
Để thực hiện công việc này đã tập hợp hàng trăm công dân khả kính, ngồi cùng nhau bên bàn và ký vào từng tờ bạc một - nhiều người trong số này về sau kêu ca rằng đó đã là công việc nặng nhọc nhất trong cuộc đời của họ. Chỉ tới năm 1863, những chữ ký "tươi" mới được thay bằng các bản sao.
Trên mặt sau của tờ $1 có in hình "Cái ấn vĩ đại của Hoa Kỳ" (Great Seal of the United States). Đó là hai hình ảnh: bên phải có con đại bàng đầu trắng, được che bởi một cái mộc có hoa văn của lá cờ sao và vạch. Một móng con đại bàng quắp cành ô liu (tượng trưng cho hòa bình) cùng 13 trái cây và 13 cái lá (tượng trưng cho 13 thuộc địa đã tạo nên Hợp chúng quốc Hoa Kỳ); móng bên kia đại bàng giữ 13 mũi tên (tượng trưng cho chiến tranh).
Những trái cây, lá và mũi tên được các nhà thiết kế ra đồng USD vay mượn từ các biểu tượng của liên minh các bộ lạc da đỏ Iroquois. Trên đầu con đại bàng là 13 ngôi sao (lại là biểu tượng của 13 thuộc địa). Đầu con đại bàng đã được hướng tới phía cành ô liu nhằm thể hiện khát vọng của nước Mỹ về hòa bình (cho tới trước năm 1945 con đại bàng đã nhìn sang hướng khác).
Mặt trên của cái mộc thể hiện cơ quan lập pháp, đầu con đại bàng thể hiện cơ quan hành pháp, còn đuôi của đại bàng - đó là cơ quan tư pháp (tòa án). Các lý giải này chỉ tới đầu thế kỷ XX mới xuất hiện.
Trên đầu con đại bàng có dải băng in dòng chữ (cũng gồm 13 chữ cái): E Pluribus Unum, có nghĩa là một trong nhiều. Ý nghĩa của dòng chữ này rất mù mịt. Những tìm kiếm của các nhà ngôn ngữ học và sử học, định lần tới những căn nguyên tương tự trong các công trình của những nhà hiền triết La Mã cổ đại đều hoá công dã tràng - một câu tương tự chỉ được tìm thấy trong một trường ca của thi sĩ Vergilius (mất năm 19 trước CN). Thực ra, bí ẩn của câu văn này rất giản dị.
Trong những thế kỷ XVIII-XIX, giữa giới tinh hoa Anh - Mỹ rất phổ biến tạp chí Anh Gentleman's Magazine (năm 1922, tạp chí này đã ngừng xuất bản hàng tháng và ra mỗi quý một lần và đổi tên thành Gentleman's Quarterly, năm 1980, nó lại được phát hành hàng tháng với cái tên GQ).
Đầu thế kỷ XVIII, số tiền đặt tạp chí này rất lớn, vì thế, các quý ông chỉ có thể mượn nó đọc từ thư viện hoặc mua cả bộ một năm: bộ tạp chí cả năm này được ký hiệu là E Pluribus Unum. Những nhà thiết kế các tờ bạc Mỹ đầu tiên đã mượn logo này của tạp chí Anh để tạo cho đồng tiền mới một vẻ chững chạc và tin cậy.
Ở phía bên trái có hình một kim tự tháp dang dở với chữ số 1776 ở dưới chân (năm thành lập nước Mỹ, được in bằng chữ số La Mã). Không có phương án lý giải chính thức cho hình ảnh này. Người ta cho rằng, kim tự tháp tượng trưng cho sự phát triển tương lai của nước Mỹ và khát khao vươn tới hoàn thiện.
Ngoài ra, kim tự tháp còn có 13 bậc - đó cũng là tương trưng cho 13 thuộc địa và cũng là một biểu tượng của hội Tam Điểm. "Con mắt nhìn thấu mọi sự" trong hình tam giác được viền bởi những tia nắng mặt trời (một biểu tượng tôn giáo rất cổ kính), tượng trưng cho sức mạnh thần thánh đang theo dõi cõi trần thế. Trên đỉnh kim tự tháp có dòng chữ gồm 13 chữ cái Annuit Coeptis, có nghĩa là Người đồng tình với việc làm của chúng ta.
Dưới chân kim tự tháp - lại là một danh ngôn La tinh nữa: Novus Ordo Seclorum, tức là trật tự mới của các thế hệ, tượng trưng cho sự xuất hiện của "kỷ nguyên Mỹ". Kim tự tháp, con mắt nhìn thấu mọi sự và những dòng chữ này xuất hiện ở thế kỷ XVIII trên những tờ bạc đầu tiên được phát hành ở nước Mỹ - chúng được mời chào sử dụng bởi một trong những nhà lập quốc của Mỹ, Benjamin Franklin, người từng là chủ nhà in, nhà bình luận chính trị, nhà sáng chế, nhà bác học, nhà ngoại giao và cũng là một thành viên hội Tam Điểm.
Điều này được lý giải bằng hai yếu tố: sự phổ cập của những biểu tượng như thế trong nghệ thuật thời đó (Franklin cũng tuân thủ theo mốt) và ý muốn gây khó khăn cho những kẻ định làm tiền giả, vốn không đủ tài nghệ để sao chép chuẩn xác những hình ảnh như thế và cũng không thông thạo tiếng La tinh lắm.
Tuy nhiên, cái ấn đó chỉ tồn tại trên các tờ bạc Mỹ trong vòng vài thập niên rồi bị quên lãng. Trên các tờ USD hiện đại, "Cái ấn vĩ đại của Hoa Kỳ" chỉ quay trở lại vào những năm 30 của thế kỷ trước, dưới thời cầm quyền của vị Tổng thống thứ 32 Franklin Roosevelt.
Ông Roosevelt đánh giá chi tiết này trong hình thức của đồng USD như một biểu tượng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Người ta cũng đã thông báo với ông về biểu tượng của hội Tam Điểm có trong cái ấn. Thấy vậy, ông Roosevelt đã hỏi ý kiến của một thành viên nội các (một tín đồ Thiên chúa giáo) về việc, liệu các chi tiết như thế có làm xúc phạm tới tình cảm của các tín đồ không, và ông đã nhận được câu trả lời là không!
Những nguyên nhân khiến các tờ bạc Mỹ có màu xanh cho tới nay vẫn không được ai biết rõ. Trước năm 1929, để in các tờ bạc Mỹ, người ta đã sử dụng các màu sắc khác nhau - màu xanh đơn độc như hiện nay chỉ xuất hiện từ năm 1929. Mực màu xanh nhìn chung là tương đối rẻ và màu xanh tương đối ổn định trước các tác động từ bên ngoài.
Thêm vào đó, màu xanh về mặt tâm lý thường gợi lên sự tin cậy đối với đồng tiền và khiến người ta cảm thấy lạc quan. Trong những năm gần đây, các tờ bạc Mỹ lại được tô thêm màu mới nhờ những ánh vàng và hồng. Mặc dầu thế, "tờ xanh" vẫn tiếp tục là "biệt danh" của đồng USD trong ngôn ngữ của nhiều nước
Hữu Lương
Các bài viết cùng chuyên mục:
- Độc đáo tượng gốc tre phố cổ
- Muay Thái đá...gãy chuối
- [Video] Máy phản lực nước giúp nhào lộn như...
- Phát hiện " Trái đất " thứ 2
- Thiếu nữ nổi tiếng với tài vẽ tranh siêu thực
- Kích thích trí tưởng tượng với tác phẩm của...
- [Video] Chú lợn đi bằng hai chân trước
- Những chứng bệnh cười cực "quái dị"
- Sắp có hiện tượng ‘Mặt trăng máu’ vào ngày...
- [Video] Quang cảnh tuyệt đẹp của trái đất...
Đánh dấu