PDA

View Full Version : Nước Nga và tuổi trẻ của tôi



l0ng_ch4u
23-01-2008, 04:45 PM
Tôi nghe về nước Nga từ khi còn bé xíu, qua những câu chuyện kể của ba mẹ tôi. Nhưng tôi chỉ thực sự biết về nó vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi được sống và học tập tại Nga. Lúc đó, Liên bang Xô-viết (Liên Xô), trong đó có nước Nga, đang ở vào thời kỳ thịnh vượng. Bao nhiêu tình cảm thân thương với đất nước Nga tươi đẹp, với những con người Nga nhân hậu đã in sâu trong trái tim tôi. Và tiếng Nga – thứ ngôn ngữ kỳ diệu ấy – đã thấm vào máu thịt, để đến hôm nay dù 20 năm đã trôi qua, dù tiếng Nga chẳng còn là thời thượng nữa, tôi vẫn không thể nào quên, kể cả trong mơ. Tuổi xuân trong cuộc đời mỗi con người thường trong sáng, đầy nhiệt huyết và vĩnh cửu. Trong tôi, nước Nga và tuổi xuân là một.



Tháng 8 năm 1982, vào tuổi 18, cái tuổi “trong đời chỉ có một lần”(*), tôi được đặt chân lên Moskva – thủ đô của Liên Xô trước đây, và của Nga hiện nay. Moskva đã vào cuối hè, thành phố đầy cây xanh, quả mọng trĩu trên cành. Thành phố hiện ra thật uy nghi rộng lớn với những dòng chảy xe cộ và những con người đi lại tất bật trên đường, làm chúng tôi - những “tân lưu học sinh” - choáng ngợp. Chúng tôi được học một năm tại Khoa Dự bị, Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôv nổi tiếng thế giới. Tại đây, chúng tôi đã được các cô giáo trong Khoa cho làm quen với một kho tàng tiếng Nga tuyệt vời, là các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ Nga vĩ đại như Puskin, Lermantov, Dostoievski, Tonxtoi, Exenhin… Chúng tôi đã hát, ngâm thơ, kể chuyện về những tác phẩm ấy. Các cô giáo đã chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang cho chúng tôi vào học những năm tiếp theo. Tôi đã học được cách sống, cách học tập và làm việc cùng bạn bè. Những bỡ ngỡ, những thổn thức lo âu trước cuộc đời quá rộng lớn và mới mẻ đã nhanh chóng qua đi. Tôi được chuyển về học Đại học Tổng hợp Leningrad (Saint Petersburg ngày nay).

http://www.nuocnga.net/images/stories/CamxucNuocNga/msu.jpg
Lêningrad, thành phố như quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi có đầy ắp kỷ niệm về Người. Lêninrgad hiền hoà, diễm lệ có dòng sông Nhêva xanh ngắt chảy qua. Thành phố nổi tiếng bởi những đêm trắng huyền diệu và những chiếc cầu mở vào giữa đêm; có Bảo tàng Ermitage, tượng Pier Đại đế lung linh và trang nghiêm bên bờ sông Nhêva, có vườn Mùa hạ thơ mộng và sâu lắng… Thành phố duyên dáng được nhiều người biết đến với những công trình kiến trúc độc đáo, những pho tượng La mã cổ đại và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp tuyệt vời. Trường Đại học Tổng hợp Leningrad, nơi tôi trải qua những tháng ngày sinh viên, nằm trên đảo Vasiliev, cạnh bờ sông Nhêva. Ngôi trường to lớn và cổ kính bao gồm nhiều khoa, là những tòa nhà đỏ thắm thấp thoáng sau rặng cây phong lá vàng óng và bờ rào sắt với những hoa văn uyển chuyển duyên dáng như một bài thơ, mặt hướng ra sông Nhêva. Trường có một thư viện rộng lớn cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 18 nằm ở trung tâm và cũng lại có nhiều studgorodok (thị trấn sinh viên) hiện đại nằm giữa cánh rừng ở ngoại ô thành phố (ở Petergov, nơi có Cung điện Mùa hạ và những đài phun nước nổi tiếng, là nơi dành cho việc nghỉ ngơi của vua Pie Đệ nhất ). Những chiều hè, sau giờ học, tôi hay đi dạo dọc bờ sông, đứng bên Tháp Hải đăng, ngắm Nhêva lúc mặt trời lặn. Không hiểu sao, trong đầu tôi khi ấy luôn văng vẳng lời thơ của Ônga Becgôn:



“Em nhớ lại những ngày quá khứ,

Khúc hát thơ ngây một thời thiếu nữ,

Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nhêva,

Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà…”



Trong những tháng ngày của một thời “thanh niên sôi nổi”(**) với nhiều khát vọng ấy, có biết bao kỷ niệm buồn vui; khi tin yêu thì hết mình và hoàn toàn sụp đổ khi lòng tin bị mất; hy vọng và thất vọng, yêu thương và giận dỗi; những băn khoăn, trăn trở, những lo lắng cho sự nghiệp còn chưa được định hình rõ nét trong tương lai… Tôi đã tích luỹ được cho mình nhiều kiến thức phong phú, là tài sản quý báu suốt đời tôi sẽ mang theo bên mình. Tại Lêningrad, tôi có người bạn gái Nga thân thiết; cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn thường xuyên viết thư cho nhau, nhớ đến ngày sinh nhật của nhau và của cả con cái chúng tôi nữa. Tôi đã kết bạn với bạn bè từ nhiều nơi trên thế giới, cùng học tập, sinh hoạt văn nghệ, vui chơi giải trí; và có những buổi “Lao động cộng sản” hăng say mang tinh thần quốc tế sâu sắc. Các bạn bè Việt Nam cùng học bên Nga đã gắn bó thương yêu, cùng sinh hoạt trong Thành Hội, Thành Đoàn với tôi đến nay vẫn gặp gỡ, giúp đỡ nhau khi có thể và thỉnh thoảng lại cùng nhau tụ tập để sống lại thời tuổi trẻ ngày xưa ấy. Chẳng phải cố công, chẳng cần lên gân mà tự nhiên như máu thịt, tinh thần của “Thép đã tôi thế đấy” cứ sống mãi trong tôi, âm ỉ nhưng mãnh liệt, mặc cho cuộc sống có biết bao đổi thay từ đó đến nay. Tôi hiểu rằng, tình yêu của tôi với nước Nga không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều thế hệ người Việt Nam đã được đào tạo ở Nga và Liên bang Xô-viết đều có những tình cảm thiêng liêng, đều mang trong mình một góc tâm hồn Nga như tôi vậy.



Hàng năm, cứ đến Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại 7/11, là dịp con tim của chúng tôi - các thế hệ cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh từng sống bên Nga và Liên Xô trước đây - lại rung lên bởi những tình cảm thiết tha, chân thành và sâu lắng với đất nước Nga thân yêu, tuy xa xôi mà rất gần gũi. Năm tháng trôi qua, cuộc đời sau đó mỗi người có mỗi ngả rẽ khác nhau và có những số phận khác nhau. Chúng tôi đã trưởng thành và rất bận rộn vì công việc và mưu sinh hàng ngày. Nhưng, kỳ lạ thay, tất cả đều dành riêng một góc thiêng liêng của trái tim mình cho nước Nga, cho những “tâm hồn Nga” tốt bụng và nhân hậu. Chúng tôi có những cuộc họp, những buổi giao lưu truyền thống của Hội Hữu nghị Việt – Nga, của thành phố và của trường, của khoa nơi mình đã sống và học tập . Tại đó, chúng tôi lại cùng nhau hát “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người”, “Aliosa”, “Cachiusa”, “Đàn sếu”, “Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cùng trung đoàn”…
http://www.nuocnga.net/images/stories/CamxucNuocNga/pie%203.jpg


Nước Nga Xô-viết và tuổi trẻ của chúng tôi một lần nữa như được sống lại. Chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh, thêm yêu cuộc đời và con người; có thêm nghị lực vươn lên, khẳng định lý tưởng và năng lực của mình, cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước thân yêu ./.

____________

(*) Bài hát Nga “Trên đời chỉ có một lần 18 tuổi”

(**) “Bài ca thanh niên sôi nổi”, bài hát Nga nổi tiếng một thời được các bạn trẻ Việt Nam yêu thích

slavich_đinh
23-01-2008, 04:48 PM
mày ko cảm thấy xí hổ khi ăn cắp bản quyền ả
mà tao đoán các bài viết của mày có khi mày cũng chưa đọc ý chứ
mai lên lớp tao kiểm tra kiến thức của mày

sheva1510
24-01-2008, 09:18 PM
chà bài viết này hay đấy ko biết longchau sưu tầm ở đâu vậy

chipiu
26-01-2008, 09:00 PM
xấu hổ thế,ít nhất cuối bài cũng phải ghi được 2 chữ sưu tầm chứ.Post lên cứ như đúng rùi í.

Mr.Dancer
27-01-2008, 07:45 AM
xấu hổ thế,ít nhất cuối bài cũng phải ghi được 2 chữ sưu tầm chứ.Post lên cứ như đúng rùi í.

đúng rùi đó longchau ah`.Ko kheo nay mai tác giả tới đòi bản wen` thì chít đó:r:

l0ng_ch4u
28-01-2008, 10:27 AM
ko sao dau ma`.chi can` cac ban hieu về nuoc nga la` duoc rui` ma`.
http://theory.sinp.msu.ru/~svernov/MOSCOW.jpg