PDA

View Full Version : Nam Kavkaz-Trung Á vào cuộc chiến dầu khí



Love geo
06-09-2010, 10:14 PM
Nam Kavkaz-Trung Á vào cuộc chiến dầu khí
(Toquoc) - Sau khi Tổng thống Gruzia M.Saakashvili lên nắm quyền năm 2003, Mỹ đã đẩy mạnh quan hệ với Tbilisi, tìm cách thiết lập ảnh hưởng ở khu vực sát sườn Nga và hợp tác đầu tư xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu từ Azerbaijan qua Gruzia đến Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ quân sự cho Gruzia, hậu thuẫn cho Gruzia trong vấn đề gia nhập NATO.
Quân đội Mỹ đã hủy cuộc tập trận hải quân thứ hai với Nga trong tháng này, đồng thời tuyên bố sẽ xem xét lại toàn bộ các hoạt động quân sự với Nga. Tổng thống Mỹ Bush tuyên bố coi quyết định của Nga là "hành động thiếu trách nhiệm" có thể làm gia tăng căng thẳng trong cuộc xung đột Nga-Gruzia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Gates cảnh báo mối quan hệ giữa Mỹ và Nga có thể "bị tác động bất lợi" trong những năm sắp tới nếu Moscow "không dừng bước" trong cuộc xung đột ở Gruzia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov tuyên bố Mỹ phải chọn ủng hộ giới lãnh đạo Gruzia hay duy trì mối quan hệ đối tác với Nga trong các vấn đề quốc tế.
Cuộc xung đột Nga - Gruzia khiến mối quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cũng như với một số nước châu Âu trở nên căng thẳng và hiện xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
NATO cáo buộc Nga vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi công nhận độc lập cho Nam Ossetia và Abkhazia. Dự kiến NATO sẽ xem xét quan hệ với Nga trong cuộc họp bộ trưởng Quốc phòng tại Luân Ðôn (Anh) vào ngày 18-9.
Trong tuyên bố của mình, Liên hiệp châu Âu (EU) coi quyết định của Nga là "trái với các nguyên tắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia", đồng thời tuyên bố sẽ xem xét những hậu quả do quyết định này của Nga gây ra tại cuộc họp thượng đỉnh bất thường vào ngày 1-9.
Tuy nhiên, thông báo của EU không nhắc đến những hành động đáp trả. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) khẳng định Nga vi phạm các nguyên tắc của tổ chức này, đồng thời kêu gọi Nga rút quân ngay lập tức khỏi Gruzia.
Thủ tướng Ðức A. Merkel chỉ trích quyết định của Nga là hành động "không thể chấp nhận được", nhưng kêu gọi EU duy trì các kênh thông tin mở với Moscow nhằm tìm kiếm một lập trường chung về cuộc xung đột ở Gruzia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Steinmeier cho rằng, tất cả các bên trong cuộc xung đột này đang "chơi với lửa", đồng thời cảnh báo phương Tây không nên phản ứng "dại dột" trước quyết định của Nga nhằm tránh làm leo thang căng thẳng ở khu vực Kavkaz. Italia cũng "tỏ ý tiếc" về quyết định của Nga, cho rằng hành động này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực Kavkaz cũng như trên thế giới, đồng thời kêu gọi Nga tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia.
Ngày 13-8, Tổng thống Ukraine V. Yushchenko ký sắc lệnh về việc rút khỏi hiệp định song phương với Nga về cùng sử dụng các phương tiện thuộc hệ thống cảnh báo những vụ tiến công bằng tên lửa và kiểm soát không gian vũ trụ mà Nga và Ukraine ký tại Moscow năm 1992.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon tỏ ý lo ngại việc Nga công nhận Nam Ossetia và Abkhazia sẽ gây thêm bất ổn ở khu vực Kavkaz, khiến những nỗ lực tìm ra giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng tại Gruzia trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trở nên phức tạp hơn. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ, Liên hợp quốc không có thẩm quyền công nhận hay không nền độc lập của một quốc gia, mà đó là vấn đề của từng quốc gia cụ thể.
Trong khi đó, Nhật Bản, nước hiện là Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) ra tuyên bố "lấy làm tiếc" về quyết định của Nga, đồng thời khẳng định Tokyo ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề này trên nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia.
Ðề cập vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nêu rõ, Trung Quốc hy vọng mâu thuẫn chung quanh vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia sẽ được giải quyết thông qua đối thoại. Các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng tại khu vực Nam Ossetia thuộc Gruzia và ủng hộ vai trò tích cực của Nga trong củng cố hòa bình ở khu vực này. Serbia, một đồng minh lâu năm của Nga, tuyên bố Belgrade tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia được quốc tế công nhận.
Tuyên bố nêu rõ Serbia đã nhiều lần cảnh báo việc tỉnh Kosovo trực thuộc đơn phương tuyên bố độc lập và được phương Tây công nhận, có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm và làm bất ổn tình hình các khu vực khác trên thế giới.
Các nước khác như Ba Lan, Canada, Anh, Czech, Tây Ban Nha, Lithuani, Thụy Ðiển... đều bày tỏ quan ngại về quyết định của Nga và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia.
Giữa lúc xung đột tại Nam Ossetia chưa được giải quyết ổn thỏa thì Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận về việc triển khai mười tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD) tại thành phố Slupsk, nằm sát biển Baltic, cách biên giới cực Tây của Nga khoảng 180 km.
Hành động này làm cho mối quan hệ giữa Washington và Moscow, vốn đã căng thẳng, càng như bị đổ thêm dầu vào lửa. Nga phản đối gay gắt kế hoạch trên, vì cho rằng hệ thống NMD ở Ðông Âu đe dọa an ninh của Nga, phá vỡ thế cân bằng lực lượng ở châu Âu sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Nga cảnh báo nguy cơ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh và khẳng định, nếu điều đó xảy ra, lỗi hoàn toàn là do phía Mỹ vì Washington đã cố tình "thay đổi thế cân bằng chiến lược".
Ngày 28-8, Nga đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol có khả năng "xuyên thủng" bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào dưới mặt đất. Tên lửa RS -12 M Topol (NATO gọi là SS-25 Sickle) có tầm bắn tới 10.000 km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 550 ki-lô-tôn. Ðây được coi là hành động đáp trả của Nga trước việc Mỹ và Ba Lan chính thức ký thỏa thuận xây dựng một phần NMD của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan.
Diễn biến xung đột
* Ngày 7-8-2008, các đơn vị quân đội Gruzia, được hàng trăm xe tăng và đại bác hạng nặng yểm trợ, mở chiến dịch quân sự quy mô lớn tiến công lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Ossetia, nhằm đánh chiếm và giành quyền kiểm soát vùng đất này. Tổng thống Gruzia M.Saakashvili tuyên bố tổng động viên và đưa đất nước Gruzia vào tình trạng chiến tranh. Nước Nga đã nhanh chóng đáp trả.
* Ngày 8-8, 150 xe tăng hạng nặng của Nga với lớp giáp chống đạn có thể vô hiệu hóa các vũ khí chống tăng hiện đại nhất của Mỹ và phương Tây đã tiến vào vùng chiến sự. Sau hai ngày, các đơn vị lục quân của Nga, gần như đã tái chiếm các vùng lãnh thổ của Nam Ossetia bị quân Gruzia chiếm đóng trước đó. Ðồng thời, máy bay của Nga mở các đợt tiến công sâu vào các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Gruzia. Giao tranh dữ dội giữa hai bên làm gần 2.000 dân thường chết và hơn 34.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cơ sở hạ tầng tại thủ phủ Tskhinvali Nam Ossetia bị phá hủy nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, các lực lượng tăng cường của Nga phải có mặt tại Nam Ossetia để ngăn chặn thảm họa nhân đạo mà phía Gruzia gây ra đối với các công dân Nga tại khu vực tự trị này.
* Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ G. Bush ngày 9-8, Tổng thống Nga. D.Medvedev nêu rõ giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột là các lực lượng quân sự của Gruzia phải rút khỏi Nam Ossetia, và Gruzia cùng với Nam Ossetia phải ký kết một hiệp định không sử dụng vũ lực. Về phía mình, Tổng thống Mỹ G. Bush kêu gọi các bên ngừng các cuộc ném bom và cam kết sẽ nỗ lực hành động để đưa tình hình ở khu vực này trở lại nhịp sống hòa bình.
* Ngày 10-8, Gruzia tuyên bố rút toàn bộ quân khỏi Nam Ossetia và kêu gọi ngừng bắn. Ngày 11-8, lửa chiến tranh tại Nam Ossetia lan sang Abkhazia, một vùng ly khai khác của Gruzia (đầu tháng 3-2008, sau khi tỉnh Kosovo thuộc Serbia tự tuyên bố độc lập, cả Abkhazia và Nam Ossetia lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nền độc lập của mình).
Nga bổ sung thêm hàng nghìn quân và các loại xe bọc thép đến vùng đất này và lần đầu tiên cho bộ binh tiến vào lãnh thổ Gruzia, đẩy Tbilisi một lúc phải đối mặt với hai mặt trận.
* Chiều 12-8, Tổng thống Nga tuyên bố ngừng chiến dịch tiến công Gruzia sau hơn năm ngày giao tranh. Ông cho rằng, mục tiêu của Nga đã đạt được và "kẻ xâm lược đã bị trừng phạt đích đáng".
* Ngày 13-8, Nga và Gruzia đồng ý với kế hoạch hòa bình sáu điểm do Pháp bảo trợ nhằm chấm dứt xung đột ở Nam Ossetia. Kế hoạch hòa bình sửa đổi bao gồm sáu nguyên tắc: Tất cả các bên từ bỏ vũ lực; ngừng hoàn toàn hành động quân sự; cho phép tự do tiếp cận viện trợ nhân đạo; lực lượng vũ trang Gruzia rút về các căn cứ; binh lính Nga trở về các vị trí trước khi xảy ra xung đột; tiến hành thảo luận quốc tế về quy chế tương lai của hai vùng lãnh thổ đang đòi ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, cũng như về các biện pháp bảo đảm an ninh ở hai khu vực này.
* Ngày 16-8, Tổng thống Medvedev ký thỏa thuận ngừng bắn "văn bản về các nguyên tắc giải quyết xung đột", với Gruzia do Pháp làm trung gian nhằm chấm dứt xung đột (Tổng thống Gruzia Saakashvili đã ký văn bản trên ngày 15-8). Theo kế hoạch ngừng bắn, các lực lượng Nga sẽ trở lại các vị trí trước khi xảy ra chiến sự ở Nam Ossetia, đồng thời được tuần tra ở mức độ hạn chế tại Gruzia.
* Ngày 26-8, Tổng thống Nga Medvedev đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.
* Ngày 27-8, các tàu chiến của Nga đã tới vùng lãnh hải thuộc Abkhazia để hỗ trợ hòa bình và ổn định tại vùng lãnh thổ này. Việc Nga đưa tàu chiến tới Abkhazia cũng được xem là nhằm đáp trả việc Mỹ và các nước NATO đang triển khai rất nhiều tàu chiến tại khu vực Biển Ðen dưới chiêu bài viện trợ nhân đạo cho Gruzia.