PDA

View Full Version : Đôi mắt!



nhocbuong93
24-03-2009, 06:04 PM
Lối đi hẹp, nhưng lúc trông thấy cô tiếp viên xuất hiện trong chiếc áo dài màu huyết dụ, tự dưng, tôi chợt có cảm tưởng như mình đang ở trong khung cảnh sân khấu sắp có diễn một vở kịch. Vâng, tôi muốn giữ lâu cái vẻ dịu hiền của chiếc áo như tấm màn phông gợi nhớ rất nhiều đến quê hương trong ngày trở về.

Phi cơ vừa mới cất cánh. Không còn một chỗ trống, hàng ghế nào cũng đầy khách. Chỉ có một số rất ít khách nước ngoài ngồi riêng hai dãy ghế trên, còn phiá sau hầu hết là khách người Việt và Lào. Ở gần nhau, hoặc trên dưới, những tiếng cười nói, trò chuyện nghe râm ran và tôi nhận ra phần nhiều là tiếng của người miền Trung, vì đây là chuyến bay Sài Gòn ra Huế. Và đi một mình, cũng không gặp ai quen nên trong cặp mắt và cả ý tưởng nữa, tôi muốn nghĩ nhiều về nét đẹp của những người con gái Việt Nam. Ngay lúc xuống phi trường Hồng Kông đổi chuyến bay đi Sài Gòn, sự ngạc nhiên đầu tiên của tôi là thấy các cô tiếp viên thay vì mặc áo xanh, tất đều mặc đồng phục áo dài màu đỏ mận rất duyên dáng, tươi trẻ và xinh đẹp. Với niềm vui, tôi bỗng cảm thấy mình yêu mến quê hương, và có lẽ, tôi nhận ra được trên cửa miệng nụ cười mình cũng trẻ ra trước mọi người.

Cái bóng chiếc áo trắng đã in lên vóc dáng người thanh niên có nước da ngăm đen, nét mặt hơi u tối, trầm lặng , anh ta đứng bên lối cửa phòng phục vụ kéo chiếc xe nhỏ qua một bên để sắp những hộp giấy đựng phần ăn nhẹ. Cô tiếp viên bưng hai cái khay, mỗi khay có bốn hộp giấy và nước uống. Lần lượt bên trái, bên phải, cô tự động đưa cho khách với lời mời rất nhã nhặn, và mỗi lần hết cô trở về quầy xe để nhận thêm phần ăn rồi lại đi lên những hàng ghế khác để phục vụ khách.

Tới bên tôi, cô dừng lại và tôi được phát trước tiên vì ngồi ở đầu ngoài. Đợi cô phân phát xong, tôi nói:

-Cô cho xin một ly cà phê .

Cô gái đáp:

-Dạ không có cà phê. Chỉ có trà nóng.

-Buổi sáng, tôi thích uống cà phê.

Tôi chỉ nói vậy thôi, nhưng đã khiến cho cô ngần ngại, bối rối. Tôi không hỏi gì thêm nữa, nhưng lúc này tôi đã ghi nhận được hết cái bóng dáng toàn diện của người bạn gái tôi đã quen biết ngày xưa.

Hành khách đang ăn. Bữa ăn sáng là một chiếc bánh sandwich và một tách trà nóng. Có người không ăn vì bánh nguội, họ có thể gọi một tô mì gói với nước sôi nóng hổi bảo đảm mức độ nấu chín an toàn.

Thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn ra phía ngoài qua cửa kính tròn, nhưng chỉ thấy bóng dáng của mây trời. Tuy vậy, cũng có một đôi chỗ lướt qua nhanh hình ngọn núi, một vài dãy nhà, con đường của thành phố nào đó bên dưới kia.

Tôi uống mấy hớp trà, nhưng thực sự rất thèm một ly cà phê sữa nóng được uống lúc này. Và rồi, tôi lại để mắt tìm cô gái. Khi không thấy cô đâu cả, tôi đảo mắt tìm quanh những hàng ghế gần xem có ai quen cùng trong chuyến đi không. Cũng không có.

Lúc phi cơ chuẩn bị lăn bánh, trong tư thế ngồi buộc dây thắt lưng an toàn, hành khách được người tiếp viên cho hay biết là từ Sài Gòn ra Huế, thời gian phi cơ bay là 1giờ 40 phút. Vào lúc xe ca đưa hành khách ra chỗ máy bay đậu, lúc bước xuống để lên chiếc máy bay nhỏ hai cánh quạt, nhiều hành khách đã phản đối vì đây không phải là loại máy bay họ mua trong chuyến đi này, nhưng rồi, những lời phàn nàn cũng vô ích trước mấy câu trả lời đơn giản là máy bay lớn bị trở ngại kỹ thuật thành ra phải dùng máy bay loại nhỏ. Thế là nhiều người bực mình, càu nhàu, nhưng ngay lúc đó họ dằn lại vì sợ mà dễ hiểu, những hành khách đó cũng như tôi là những người ở nước ngoài mới được về thăm nhà.

Tôi đang mong gặp lại những người thân của mình sau hơn mười năm xa cách. Tôi cũng tưởng nghĩ đến Huế, thành phố của tôi thời niên thiếu nay hẳn thay đổi nhiều, và các bạn tôi chắc vẫn còn đó như bao nhiêu tháng ngày đã trôi qua theo cuộc sống. Tôi cũng muốn hình dung lại căn nhà cũ của mình, hẳn nhiên nó vẫn còn nguyên vẹn nằm trên bờ dốc cao với cái dáng vẻ một mình giữa bức tường quét vôi tím và mái ngói đỏ. Bên cạnh nhà tôi có bờ dốc ăn thông với khu vườn của gia đình, có một bờ rào nhỏ nhìn qua miếng đất trống nay là vườn cải của ngôi chùa. Và sau cùng, tôi nghĩ đến Mai Lê, có lẽ nàng đổi thay nhiều lắm. Mặc dù, trong mười năm xa, nhiều lúc tôi đã khép mắt cố để cho mình được tự do trong liên tưởng quay trở về lại với hình bóng của nàng thời con gái, thời nàng còn là một cô giáo, thời nàng tươi đẹp như bông hoa trong chiếc áo màu hồng, thế nhưng, nay nàng đã khác xưa, khác xưa nhiều lắm mà tôi đã biết trước qua những lời kể lại của nhiều người bạn quen đã có gặp nàng.

Giữa vùng mây mờ xám, chiếc phi cơ bỗng nhồi lên rồi ngụp xuống. Ngay lúc đó, người tiếp viên thông báo cho hành khách biết thời tiết xấu bên ngoài và yêu cầu hành khách thắt dây an toàn. Tôi hơi nhổm người dậy nhìn ra cửa, trời không có nắng, nhưng không mưa. Tuy nhiên, màu trời có vẻ như đổi khác không còn trong sáng nữa.

Tôi nhìn đồng hồ tay, phi cơ mới chỉ bay được 40 phút. Còn đến một giờ nữa, lâu quá. Sau ít phút lao qua trong vùng mây xấu, phi cơ bay trở lại bình thường. Tôi tháo dây nịt, đứng lên mở ngăn hộc lấy cuốn sách mỏng trong túi xách đem xuống đọc.

Mùa mưa bắt đầu cùng với năm học mới vừa khởi sự. Tôi về tới Sài Gòn ngày Chủ Nhật, đầu tháng 9. Tới vào lúc trưa, trời nắng gắt, nhưng đến chiều trời mưa. Mưa nặng hạt, nước mưa trút ào xuống rất nhanh, rồi sau hơn một giờ mưa lớn thành phố tạnh ráo trở lại với từng vũng nắng ló dạng, sáng lên. Hôm ấy, ở nhà tôi đông đủ anh em trong gia đình và mấy người thân. Ai cũng nhận ra tôi có vẻ trẻ lại, gương mặt hồng, tươi tắn. Có một sự không thay đổi là giọng nói của tôi vẫn như ngày trước, nó không già đi, mà cũng chẳng hề trẻ lại, dù cho trong lúc trò chuyện tôi luôn cảm thấy hạnh phúc của một người đi xa trở về. Và, đến với tôi trong không khí ấm cúng của gia đình, lúc bên ngoài trời mưa lạnh của một chút Sài Gòn trong đổi thay thời tiết , tôi được uống một ly cà phê đậm đặc, thật ngon.

Mới đó, qua một tuần rồi. Cuốn sách tôi đang mở ra đọc, bià màu nâu đậm, tựa là Bãi Hoang. Đây là cuốn truyện dịch, nguyên tác La Côte Sauvage của nhà văn Pháp Jean - René Huguenin, một tác phẩm được viết năm 24 tuổi, và nhà văn đã qua đời hai năm sau do một tai nạn xe hơi.

Về tới Sài Gòn, tuần lễ qua, ngoài những lần đi thăm viếng họ hàng cùng với đưá em út của tôi, tôi được Lăng bạn thân lúc nhỏ suốt ngày chở cho đi chơi thăm phố xá, buổi sáng mua sắm đủ thứ linh tinh ở các chợ rồi vào những hiệu sách, đến chiều, tới quán nhậu gặp bạn bè cũ. Ở Sài Gòn, buổi chiều dân thành phố vào ngồi các quán nhậu như là đi coi đá banh. Mỗi quán là một sân vận động. Mồi không nhiều, nhưng bia Saigon, bia Tiger, bia Hoà Lan để sẵn cạnh bàn từng két. Mỗi ly bia luôn đầy ắp, và tiếng chuyện trò, cãi vã nhau, càng lúc hứng thú, sôi nổi. Quán nhậu Đất Phương Nam ở đường Huỳnh Tịnh Của là chỗ quen thuộc của riêng giới công nhân và anh em văn nghệ. Chỗ đóù, thức ăn ngon, rẻ, bia uống thoải mái và nhìn ra lối cửa lúc nào cũng có bóng vài thằng bạn quen hồi nào đó xuất hiện. Những bạn của tôi, Lăng, Tuấn, Vĩnh, Thao, Nhan, anh Phượng vẫn như xưa, không già lắm. Ngồi bên nhau, các bạn ấy cũng như tôi, ai cũng biết rõ tuổi mình đã trên năm , sáu bó, nhưng uống bia để yêu và nhớ về cuộc đời cái hào khí của tuổi trẻ vẫn còn chất ngất.

Ánh sáng bóng đèn điện chiếu xuống trang sách tôi đang đọc. Olivier vuốt lại mái tóc nâu của mình bằng một cử chỉ uể oải..., tôi chợt ngừng ngay vì bỗng nhớ tới anh bạn lớn của tôi. Anh ấy, chính là người dịch cuốn sách này. Rồi tôi lại trông thấy cô gái xuất hiện. Cô đứng một mình bên cạnh một chiếc ghế trống, hơi cúi thấp người nhìn ra ngoài. Tôi đành gấp cuốn sách để hờ trên bàn tay, mắt nhìn về chỗ cô gái đang đứng. Phi cơ bay rất yên bình. Từ khoảng ánh sáng bên ngoài lọt qua cửa chiếu nắng xuống chiếc ghế trống, cô vẫn đứng một mình, mái tóc cô thả xuống bên vai chiếc áo dài màu huyết dụ, mỗi lúc trong mắt tôi lại đầy thêm một nỗi nhớ thật buồn. Tôi cố chờ đợi, ước mong cô sẽ ngồi xuống chiếc ghế.

Lúc tôi hồi tưởng lại bóng dáng ngày xưa nơi người bạn gái của tôi, tôi mỉm cười hạnh phúc. Và quả thực như tôi đợi mong, cô gái thôi không nhìn ra ngoài nữa, đã ngồi xuống ghế. Nhưng vừa bắt gặp tôi đang chú ý nhìn cô, cô tỏ ra nghiêm trang. Aáy thế, nhưng tôi vẫn cứ hướng đôi mắt của mình nhìn về chỗ cô ngồi trên chiếc ghế. Chỉ sau một vài giây đăm đăm nhìn lại nhau, tôi thấy cô nở một nụ cười thật trẻ thơ. Và, từ đôi mắt xa của mình, cô ngồi đó mãi nhìn lại tôi. Vậy là, tôi có được hình ảnh của cô hoàn thành như một bức chân dung. Tôi nhìn, cái nhìn dịu hiền, và trong chuyến bay trở về thăm lại thành phố thời đi học tôi được gặp cô gái này. Cô ngồi đó thật nghiêm trang, nhưng trong hạnh phúc tôi đã giữ lấy được chiếc áo dài đậm màu của cô, tôi nhìn thấy mái tóc cô êm ả như một dòng sông, và bằng cặp mắt hiền dịu cô nói với tôi về bao nhiêu kỷ niệm đẹp đã trở nên phôi pha theo thời gian.

Bên Mỹ, nhà tôi ở thành phố Santa Ana trong một khu chung cư trông ra con đường có trồng những hàng cây phượng tím. Bên kia con đường là trường tiểu học. Ở phiá sau, còn một khoảng đất trống, và trên khoảng đất đó nhiều người đi qua lại thành con đường mòn dẫn tới một công viên có hồ nước. Buổi tối đó, trời hơi thấm lạnh. Sau khi cất giấy tờ vào túi áo trong, tôi khoác ngoài chiếc áo jacket.

Xe đưa đón tới. Vừa ra khỏi xe, người tài xế đã nhanh chân bước tới cửa mái hiên, nơi hành lý của tôi đã chờ sẵn. Hai chiếc vali, hai túi xách và thêm một cái thùng giấy chất đầy quà, cái nào cũng nặng. Bên trong nhà, đèn sáng từ dưới nhà bếp lên phòng khách, nhưng vợ tôi, hai đưá con trai, gái, cùng đưá cháu gọi bằng cậu đều đứng ở ngoài trò chuyện từ lúc người tài xế báo qua điện thoại cầm tay cho biết xe đang trên đường đến. Không hiểu sao vào giây phút đó, tôi đứng riêng một mình, lòng hết sức nôn nao. Chốc chốc, tôi lại nhìn vào hành lý, nghĩ ngợi về những thứ quà mình mang theo, nghĩ đến từng người thân sẽ nhận được quà. Cũng ở phút đó, lòng tôi không vui bằng vợ con và và đưá cháu của tôi. Vì, ai cũng được về thăm nhà cả rồi, còn mình tôi đây thôi. Tôi không về được trong dịp hè như mong muốn, vì hãng tôi làm việc thời gian đó có đông anh em đi phép, công nhân Mễ đi về xứ Mễ, người Việt thì về Việt Nam, do vậy, trong danh sách tôi phải đợi vào đầu mùa thu mới đến lượt mình. Mùa thu, tôi sinh ra trong mùa này, và mùa thu cũng là mùa học sinh bắt đầu vào niên học mới. Ước gì, tôi có khiếu viết văn để kể lại cho bạn nghe những rung động của tôi về một chuyến đi vào mùa thu, và cả lúc này đây, tôi được ở bên cô gái, tôi sẽ nói với cô về một nỗi cô đơn buồn bã của mùa thu khi ta nhớ lại thời tuổi trẻ, vì đó là một thời để yêu.

Từ đôi mắt, cô gái bất chợt hỏi tôi:

-Ông đi xa đã bao nhiêu năm rồi ?

Tôi chỉ mỉm cười không đáp lời, nhưng cảm thấy lòng mình vui. Lúc từ giã, các con và đưá cháu tôi lên ngồi xe, còn lại bên dưới gần lối cửa vào tôi và vợ tôi còn đứng bên nhau. Tôi tìm mà không có được một câu nói giản dị, chân tình. Tôi vẫn đứng cười một mình .

-Cười chi ?

Giọng Huế nghe sao mà lạ quá. Nói xong vợ tôi cười, và có chút e thẹn khi tôi ôm hôn bên má nàng để từ giã.

Tôi mang hơi ấm nóng từ bàn tay của vợ tôi lúc tôi lên đường. Và, tôi cũng còn nhắc cho mình nhớ khi nào qua trở lại, tôi sẽ mang cát trắng nơi vùng làng quê của tôi ở Quảng Trị, đem về, dùng nó vào việc vun bát nhang để cắm hương thường vào mỗi ngày rằm, mồng một, hoặc vào những kỳ giỗ chạp của người thân.

Gia đình tôi có bốn người. Nhà ở thuê tuy nhỏ, có hai phòng nhưng mọi thứ đều được vợ tôi dọn dẹp rất ngăn nắp. Từ buổi đầu đến Mỹ định cư còn khó khăn, nay tương đối ổn định, và nó đã dành cho tôi được một chuyến đi phép về Việt Nam. Đêm, những con đường qua các thành phố rất thênh thang dưới một bầu trời mùa thu đầy sao. Vào xa lộ, xe tăng tốc độ phóng nhanh như gió cùng những đoàn xe trên con đường hướng về thành phố Los Angeles. Trong lúc nghe câu chuyện của người tài xế kể, tôi vẫn nhớ lại căn nhà tôi đang ở. Lúc này vắng lặng, vợ tôi một mình. Trong cảnh đơn độc của nàng, tôi nhớ những ngày chúng tôi cùng nhau vào chợ mua sắm quần áo, các vật dụng cần dùng, đồ chơi, nhiều nhất là kẹo bánh và lần nào chúng tôi cũng mang về đầy một bao để sẵn đó, ban ngày lo công việc mưu sinh như bình thường, tối đến, dưới ánh đèn trong ga ra từng thứ một được đem ra sắp xếp thật gọn chỗ vào va li, vào thùng, vào tuí xách rồi cùng phụ nhau cân kéo cho vừa đủ số lượng hãng hàng không qui định. Mỗi lần như vậy, bớt đi thứ này nặng, cho vào thêm thứ kia nhẹ thấy có được nhiều hơn. Luôn luôn trong mỗi thứ, chúng tôi thầm đọc sự đợi mong của người thân, đồng thời cũng biết thời gian sắp trở về thật gần, rất gần.

Khi mỗi con người có được một căn nhà riêng để ở, bao giờ nơi chốn đó cũng trở thành một biểu tượng của hạnh phúc. Trong cuộc sống, vợ chồng con cái chúng tôi rất giản dị như bao nhiêu thứ đồ vật cần có. Riêng tôi, tôi thích không gian của những ánh sáng ngọn đèn trong buổi tối, nó luôn ở gần tôi với sự có mặt đầy đủ những người thân thương với mình trong hiện tại cũng như trong quá khứ.

Hải Lăng là tên của quận lỵ, từ nơi đó đi hướng Bắc ra tới tỉnh Quảng Trị khoảng mười cây số, còn theo hướng đông về quê tôi ở vùng ven biển ngắn hơn, chừng nửa đường. Trong chuyến về thăm Việt Nam lần này, tôi sẽ ra ngoài Trung thăm quê, và tôi sẽ nhớ lấy cát. Cát làng quê tôi rất trắng, thật mịn, và tôi vô cùng yêu mến màu cát trắng quê tôi. Khi người ta nói đến cát, trong đó có một ý niệm về sa mạc, và với ý đó nó làm cho chúng ta nghĩ đến sự sạch sẽ , tinh khiết. Sự tinh khiết của cát, đôi lúc cũng làm tôi mường tượng những tiếng nói cười reo lên âm thanh như những viên sỏi đá thật nhỏ được rửa sạch trong mưa. Về đêm, lúc bên ngoài trời mưa, ánh đèn trong căn nhà sẽ toả nhiệt nhiều hơn để cho một hơi ấm. Còn như, ở ngoài trời đẹp hiền dịu với gió mùa hè, với trăng mùa thu, thì ánh đèn trong căn nhà sẽ cho bạn một cảm giác mỏng manh mà luồng sáng nó bay nhẹ như là chiếc áo dài mình thích đem ra ngắm hoặc chọn mặc.

Ngồi trên xe trong lúc nghĩ ngợi mông lung, tôi vẫn luôn thấy hình ảnh người vợ tôi cùng với bóng dáng sự vật trong căn nhà in dưới những ngọn đèn. Và, một lần nữa, tôi nghĩ đến cát trắng làng quê, tôi sẽ về đó, và lúc ra đi tôi nhớ mang theo. Nàng hay đứng bên lối cửa hông gian bếp nhìn ra con đường nhỏ dẫn tới công viên có hồ nước. Và, trong những ngày tới đây nàng sẽ thay tôi vào mỗi tối, đốt mấy cây hương thắp lên bát nhang thờ dưới chân tượng nhỏ Quan Thế Âm cầm bình sen tưới hoa, và cả nơi trang thờ của ba tôi và ba nàng.

Đó, có thể đấy là những gì tôi mang theo được trong chuyến trở về này. Tôi bỗng sực tỉnh ra khỏi những điều suy nghĩ lan man khi xe chúng tôi bắt đầu chạy chậm lại và thấy hai bên đường các đoàn xe khác đang nối nhau vào phi trường. Hôm nay là ngày cuối tuần, cũng là ngày ở trong tuần lễ nghỉ lao động nên người ta đi nghỉ đông và nhất là trận bão khủng khiếp ở Florida đã di tản người ta về vùng Cali rất nhiều.

Em vẫn ngồi đó lặng yên với mái tóc xõa xuống vai, với đôi mắt vẫn thơ trẻ dịu hiền, và trong lúc đưa mắt nhìn lại tôi em đã được nghe tôi kể lại về một nơi chốn rất rõ trong trí nhớ của tôi nhưng thật là mơ hồ đối với em vì em chưa hề biết đến nơi đó. Như thế nào để cắt nghĩa hay giải thích về sự gặp gỡ tình cờ trên chuyến bay này giữa riêng em và tôi thôi. Tôi muốn nói với em, hình ảnh em giống lắm với người bạn gái của tôi thời xưa. Nãy giờ, nhìn em tôi nhớ lại bóng dáng của nàng vào mỗi buổi sáng khi chúng tôi còn ở trong lớp học. Nàng không mặc chiếc áo màu huyết dụ như em, nhưng nàng rất giống em. Giữa em và nàng chỉ khác nhau trong không gian, thời xưa, nàng mặc áo dài xanh đi học, còn giờ đây chiếc áo dài màu đỏ của em đã gắn bó sâu đậm với cuộc đời. Thế nhưng, dù màu áo ấy mang một vẻ đẹp hơi buồn, nhưng đôi mắt của em chính là nguồn hạnh phúc cho bao nhiêu con người khác mong tìm kiếm. Còn tôi thì sao ? Cố nhiên, em chẳng hề thấy hoặc tin rằng có những điều thực như vậy tôi đang nghĩ., thảng hoặc tôi bỗng nhận ra từ trong giọng nói của em lúc nãy tôi nghe được, em đã muốn cho tôi biết một vùng quê của em ngoài đất Bắc xa xôi. Mỗi năm, có một tuần lễ em hay trở ra ngoài đó. Khi em về, em sống bằng một tâm hồn mộc mạc như các cô thôn nữ, và em cũng chưa bao giờ mang hình ảnh bây giờ trở về nơi chốn ấy như em đang hiện diện ở đây.

Phi cơ cất cánh rời khỏi phi trường Los vào lúc nửa đêm, từ đó bay ra vùng biển Thái Bình Dương qua những quốc gia có ghi trên màn ảnh truyền hình và đã tới phi trường Hồng Kông vào lúc 9 giờ sáng của ngày hôm sau. Từ Hồng Kông, những người về Việt Nam đi lên chuyến bay cũng cùng hãng nhưng tất cả tiếp viên hàng không nam cũng như nữ đều là người Việt. Tiếp viên nam mặc áo trắng có cầu vai, còn các tiếp viên nữ trong đồng phục áo dài màu huyết dụ. Chúng tôi ai cũng đều ngạc nhiên trầm trồ khen ngợi, không chỉ có một hai người thôi mà tất cả các cô gái tiếp viên đều duyên dáng, xinh đẹp. Trở về bằng vẻ đẹp đó, bao nhiêu niềm hãnh diện sẽ tha hồ cho những kẻ ly hương đem ra mà so sánh với nước ngoài và chúng ta sẽ còn nói được những điều gì nữa, khác hơn, hay hơn. Và quả thực, trong lúc phi cơ đã cất cánh lên bầu trời, lúc các cô gái bắt đầu phục vụ cà phê, thức uống, bữa ăn nhẹ cho hành khách, những chiếc áo dài màu đỏ ấy đã làm lay động tâm trí chúng tôi, đưa chúng tôi trở lại sự hồn nhiên từ một tháng năm nào xưa của mình trong thiên đường của tuổi thơ. Ai cũng vui, ăn ngon miệng, và rất nhiều khách thích trò chuyện về những nơi quen thuộc trong quê hương mình với các cô gái tiếp viên.

Lúc này, thì cô gái đã tỏ ra thân thiện với tôi bằng nụ cười đen lánh trong cặp mắt của cô. Trên gương mặt xinh đẹp của cô, nụ cười cũng làm nó trở nên sáng dịu như hình ảnh buổi chiều ở thành phố Sàigòn vào lúc chờ đợi cơn mưa được báo hiệu sắp trở về.

Tôi bỗng có ý nghĩ, mình nên đứng dậy nhón bước. Và từ chỗ ngồi kia , cô gái hiểu ý, cặp mắt vẫn nhìn tôi vừa chăm chú như thể đang thấy tôi bước đi.

Tôi bước lại gần, mắt tôi nói ngay với cô là chúng ta cần có thêm một chiếc ghế, một chiếc bàn tròn nhỏ, một ly cà phê cho tôi còn một ly sữa nóng có pha chút ít vani cho cô.

Cô gái gật đầu. Và, lúc ngồi xuống cạnh bên trước khi ngỏ lời tôi ngắm nhìn mái tóc mượt mà của cô. Sau ít giây, tôi mới lên tiếng:

-Tôi đi xa đã hơn mười năm.

Cô gái không đáp lời, chỉ nhìn lại tôi. Hai người lặng im chờ đợi. Cô gái bỗng bảo tôi:

-Ông uống đi, đừng để cà phê nguội mất.

Để cho tôi có sự tự nhiên, cô gái cầm ly sữa lên uống trước. Sau một hớp nhỏ cô vừa uống, tôi nhìn thấy mấy giọt sữa còn đọng trên môi cô. Và giọt sữa vẫn còn đọng để cho mắt tôi thấy. Tôi lại nhắc câu nói lúc nãy để bắt đầu câu chuyện muốn nói với cô.

-Vâng, cô gái đáp.

Tôi bắt đầu nói:

-Ngày hôm đó, có hai mươi gia đình như chúng tôi rời khỏi Sài Gòn ra đi.

Cô gái gật đầu, mắt hơi khép kín lại. Rồi cô mở ra, và lúc cô cầm ly sữa đưa lên miệng uống, tôi ngừng lời, trên cặp mắt buồn nhìn vào mắt cô. Lần này, trên môi cô gái những giọt sữa ướt không còn đọng lại nữa.

Không hiểu sao sự lặng im kéo dài trong ít giây lâu khiến cô gái bỗng cười lớn tiếng, bảo tôi:

-Kìa, sao ông không kể tiếp đi.

-Buổi ra đi ấy vào lúc trời còn mờ tối và có mưa, thật là buồn cho những kẻ ly hương.

Cô gái gật đầu, vừa bảo tôi:

-Ông cứ nói tiếp đi, em nghe.

Lúc chiếc xe ca chở hành khách ngừng lại, mưa rớt càng nặng hạt. Tuy nhiên sau ít phút mưa ngớt, chúng tôi xuống và rất yên lặng đứng sắp hàng. Thấy trời đang mưa, các cô tiếp viên mặc áo xanh đứng bên cửa thang máy bay vội giục chúng tôi lên nhanh. Gia đình tôi có bốn người. Vợ tôi và cháu gái vừa mang cả tuí xách và va ly, còn tôi cõng đưá con trai nhỏ và đeo vai cái tuí xách chạy nhanh để leo lên phi cơ. Cháu nhỏ mới hơn 5 tuổi ôm chặt vào cổ tôi. Mưa rớt nhẹ xuống đầu tóc nó và làm ướt xuống cổ áo tôi. Đây là giờ phút quan trọng của chuyến đi.

Trong lúc hồi nhớ và kể lại cho một ai đó nghe được mình, lòng tôi giữ được sự điềm đạm hơn lúc nào hết.

Ngắt lời, cô gái nói với tôi:

-Nhưng ra đi như thế, ông cũng lấy làm vui, phải không ?

Tôi chưa trả lời ngay, định dò hỏi một chút gì e ngại trên cặp mắt cô gái.

-Hôm nay được trở về, đối với tôi ra đi hôm đó là một ngày buồn vô hạn.

-Thế ông được đi nước ngoài, chẳng mừng sao ?

Thực sự, bao nhiêu năm tháng ấy đã qua rồi. Những kỷ niệm của tôi về cuộc chiến tranh, những nỗi nhớ của tôi về những vùng quê điêu tàn, những người bạn đã chết, ngay cả trong mỗi cái tên còn nhớ được vẫn không phải là điều cần thiết mong ghi lại cho lịch sử. Và, tôi cũng nghĩ rằng, đôi khi lịch sử chẳng có ích gì đối với quê hương của con người cả.

Tiếng cô gái bỗng nói với tôi:

-Em mới được gặp một người như ông lần đầu.

-Lúc chúng tôi xuống tới Hồng Kông gặp một trận bão lớn.

-Thế cơ !

-Vâng, tôi nhớ hơn cả.

Giọng cô gái nói:

-Có lẽ trong chuyến ra đi, nỗi lo sợ đã đè nặng cả tâm trí của ông.

-Em đã hiểu được, và nói cho tôi nghe điều đó chăng !

Cô gái thốt lên:

-Em hiểu chứ.

Theo giờ ghi trên chuyến bay, chúng tôi đến Hồng Kông vào lúc 9 giờ sáng, và thời gian ngồi đợi ở phi trường chừng hai tiếng sau đó phái đoàn IOM sẽ đến gặp để đưa cho chúng tôi vé máy bay đi Hoa Kỳ. Nhưng vì thời tiết xấu, suốt cả buổi sáng rồi buổi chiều mưa bão vẫn dữ dội, và qua đài truyền hình địa phương chúng tôi được tin một chiếc phi cơ cũng rời Sài Gòn vào giờ đó đi Đài Loan đã phải đáp khẩn cấp xuống mặt biển.

Trên vùng trời phi cơ đang bay, hình như chỉ có tôi và cô gái là hai người hiểu được tâm trạng của nhau. Mỗi lúc tôi ngừng lời, cô gái chỉ hỏi lại tôi một câu ngắn. Và, trong giọng nói của cô, bao giờ cũng gợi nhắc cho tôi những điều cần biết về cuộc sống hiện tại của mình. Từ hai chiếc ghế ngồi trên khoang máy bay, tôi là hành khách, cô là một tiếp viên nhưng cái nhìn của chúng tôi thực sự là một cảm thông đầy ý nghĩa, và ngay cả trong khung cảnh vừa tưởng tượng tôi và cô ngồi gần nhau bên chiếc bàn tròn có ly cà phê đen sánh, có ly sữa nóng ấm ngọt ngào, thì sự đồng cảm giữa cô gái và tôi vẫn mang cái nghĩa như thế, chỉ vì, trong tôi sự tình cờ được gặp cô với ánh mắt ấy đã niú kéo tôi trở về tìm lại tuổi hai mươi, đó là tuổi ai cũng cho rằng nó đẹp nhất trong đời người.

Lúc nãy rời khỏi ghế đứng dậy để đi tới gần cô gái, tôi có mang theo cuốn sách. Bây giờ, những điều đã nói ra được và sự im lặng cần thiết đã cho chúng tôi hiểu rằng cuộc gặp gỡ thật là đáng ghi nhớ. Ngày xưa ấy, người bạn của tôi hiểu rằng tôi yêu nàng. Sau năm học, tôi rời xa thành phố nhỏ ấy vào Sài Gòn để tìm kiếm việc làm và trước khi chia tay nàng có tặng cho tôi một tấm ảnh được cắt theo hình tấm gương và để lại trong một cuốn sách. Tấm ảnh đó, nay tôi vẫn còn giữ. Và, giờ đây tôi đã tìm lại được nàng qua hình ảnh cô gái đang ngồi gần tôi. Trong một lá thư vừa mới nhận được trước ngày tôi về Việt Nam, sau những lời thăm hỏi về gia đình, nàng có hỏi tôi đi một mình hay cùng với vợ con, và chuyến ra đi trong bao nhiêu ngày sẽ trở qua lại. Đọc thư của nàng, những điều đó theo thông lệ nó là bình thường, xã giao, nhưng với tôi, mỗi chữ, mỗi giòng nàng viết ra là sự ghi nhớ quá khứ, là những nghị lực thúc đẩy mình đương đầu với cuộc sống. Với lá thư đó, giờ ngồi trước mặt cô gái, tôi rất điềm nhiên mở hết những chiếc va li, các tuí xách hành lý để cho cô gái cùng với tôi xem xét lại tất cả các thứ quà, nào kẹo, nào bánh, nào quần áo, nào đồ dùng, nào đồ chơi, nào mũ nón, mà vợ chồng tôi đã cùng đi mua sắm để mang về cho những người thân, bạn bè. Bạn có biết không, cô gái thực hài lòng về những thứ quà chúng tôi đã mua. Và, cũng nhờ đôi mắt dịu hiền thật đẹp của cô, tôi hiểu thêm được rằng mỗi một chút quà là một sự gói ghém.

Cô gái ngả mình dựa vào lưng ghế, nói:

-Ông thật là dễ thương.

Tôi rất vui, nhìn nụ cười trên cặp mắt của cô. Trong lúc tôi thu dọn lại các thứ quà bày ra cho cô xem giờ đem cất, cô cầm cuốn sách tôi mang đến, mở ra đọc. Bỗng tiếng của cô gây nên một vang âm nhỏ thật trầm buồn.

Một con ong chết

Nắng xế qua triền cửa sổ

Mùa hè đổi hướng

Cô vẫn tiếp tục đọc cuốn truyện trong lúc tôi sắp xếp từng thứ quà bỏ vào trong chiếc va li.

-Em rất thích cô gái tên Anne, cô gái nói.

Tôi vẫn lặng im, tai lắng nghe tiếng nói của cô, và tay vẫn đều đặn làm công việc thu dọn hành lý.

Cô gái chợt ngừng đọc, hỏi:

-Bao giờ ông mới trở về lại bên kia ?

-Tôi được nghỉ phép hơn 3 tuần.

Cô gái lại đọc cho tôi nghe:

-Người ta không chết vì buồn chán.

Ngay lúc đó tôi đáp lời đối thoại được viết trong sách.

-Không, không phải vì buồn chán. Mà không vì một căn cớ nào. Tôi sẽ chết như vậy, không một căn cớ nào.

Cô gái hắt ra một hơi thở nhẹ, giọng buồn buồn nói với tôi:

-Nhà văn này chết trẻ quá .

Tôi sắp xong mọi thứ hàng vào va li và cả tuí xách. Một cách cẩn thận, tôi rút dây kéo lại rồi bóp ống khoá nhỏ. Làm xong, sau một vài giây lặng yên của cô gái, tôi nói:

-Nhà văn Pháp tên Jean - René Huguenin. Anh ta viết cuốn sách này năm 24 tuổi và chết vào năm 26 tuổi.

-Em đang cố hình dung lại thời tuổi trẻ của anh ta.

-Tình yêu của anh ta dành hết cho cô Anne.

-Vâng. Gia đình chàng chỉ có mẹ, chị và em gái. Quê hương của chàng cũng ở nơi vùng biển như quê tôi. Nơi quê tôi, chỉ có cát trắng là đẹp, còn tất cả đều hoang sơ.

Tôi nhìn cô gái trong chiếc áo dài màu huyết dụ đang ngồi đó, mắt cúi xuống đọc. Rồi thỉnh thoảng, cô ngừng lơ đãng nghĩ ngợi, hoặc nói với tôi một điều gì mà cô cho là liên hệ với tôi. Không hẳn ngồi đây cô sẽ đọc xong cuốn sách, mà thực ra, cuốn sách hiện có với tôi hay trên tay cô đang cầm là một câu chuyện mà từ nãy giờ hai chúng tôi cần bàn bạc, nói với nhau, có thể trong đó có những điều ước muốn về quê hương, có những điều lo âu về gia đình, hoặc giả, một điều chúng tôi định hỏi nhau về tuổi trẻ, đó có phải là kinh nghiệm sớm nhất của tình yêu không.

-Mỗi người chúng ta đều tạo nên cách yêu thương của riêng mình...

-Sao em ngừng lại, hãy đọc tiếp đi.

-...một tình yêu không có những mục tiêu mà người ta vẫn gán ghép cho nó và sẽ trở nên quái dị nếu không mang một dáng vẻ tương tự.

-Em hiểu tại sao không ?

-Có thể đấy là một thân xác, một hơi thở...,cô gái vừa nhìn xuống dòng chữ trang sách vừa đáp lời.

-Quả thực như vậy, có lẽ chúng ta hiểu được rằng anh Olivier đã yêu cô em gái của mình.

-Nhưng cô Anne đã lấy Pierre, bạn của anh Olivier.

Tôi nhìn môi cô gái đang mấp máy, rồi nghe tiếng cô đọc tiếp:

-Tuổi trẻ muôn thuở cô đơn hay nỗi thao thức của những tâm hồn không toại nguyện, muốn tìm về sống mãi với thiên đường tuổi thơ chan hòa tình yêu và ánh sáng.

-Này anh, em đọc cho anh nghe...

-Em đọc đi, anh đang hạnh phúc ngồi bên em.

Cô gái tìm trở lại trang sách vừa mới lật qua, mắt cúi xuống chú ý, rồi đọc lên:

-“...người ta có thể hôn lên một cái miệng, một đôi mắt, nhưng làm sao hôn được một nụ cười, và nhất là những biểu tượng của chúng, thân xác của chúng...”

Tôi đã nhận ra cái bóng dáng của cô gái đang ở tuổi trưởng thành. Cuốn sách của tôi cô đang cầm trên tay đã giúp cho cô hiểu về một thứ tình yêu trong thiên đường của tuổi thơ. Thuở ấy, tôi chưa hề quen biết cô, và thuở ấy, có lẽ cô đã gặp một người rồi.

-Ai đó nhỉ ?

Tôi đứng lên nói:

-Em hãy giữ lại cuốn sách làm kỷ niệm.

-Nhưng ông đã đọc xong đâu.

-Không xong, thế nhưng tôi muốn cuốn sách là của em.

Bạn có tin được không, tôi vừa nói ra điều này với cô gái, cô ta hoàn toàn hiểu. Trong im lặng, tiếng chuông phi cơ reo lên, rồi sau đó, người tiếp viên loan báo cho hành khách chỉ mười lăm phút bay nữa phi cơ sẽ đến Huế.

Bên dưới, tôi trông thấy mặt biển lúc phi cơ nghiêng cánh đổi hướng. Hành khách bắt đầu nôn nao, háo hức, tôi cũng vậy. Có vài người người đứng lên mở ngăn hộc coi lại hành lý, có nhiều người chồm đầu nhìn ra bên ngoài trông xem phi cơ đã bay vùng nào. Cô gái cũng rời ghế đứng lên. Luôn luôn vẻ mặt cô giữ sự dịu dàng hoà hợp với nét trang nghiêm. Tôi được nhìn rõ một lần nữa vì lúc này cô đi xuống quầy phục vụ.

Lúc đi ngang qua chỗ tôi, cô gái mỉm cười bằng cả miệng và đôi mắt. Lòng tôi hết sức vui, muốn đáp lời. Và bởi lối đi hẹp nên chiếc áo dài của cô vướng nhẹ vào bên cánh tay tôi. Tự dưng, tôi chợt nghĩ rằng, người bạn gái ngày xưa không bao giờ ở xa tôi cả.

nhoclilom93
24-03-2009, 06:10 PM
Dài thế mày ui..............Hok đủ kiên nhẫn để đọc.....